Menu

Yếu tố chủng tộc và chính trị trong cuộc thi đấu Thế Vận (xem Video)

HTT: Các cuộc thi đấu thể thao cho dù là ở cấp Thế Vận Hội hay, trận đá banh địa phương, khi có thành viên không phải là người bản địa, thì dễ bị dị nghị, mặc dù ai cũng đề cao về tinh thần thể thao. Trong trận thi đấu thế vận hội mùa đông năm nay tại Bắc Kinh, yếu tố chủng tộc đã được tranh luận gay gắt và mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nhất là đối với các vận động viên sinh ra ở Mỹ nhưng lại thi đấu dưới màu cờ của Trung Quốc.

Ngoài việc cô Chu Nghị từ Hoa Kỳ nhưng được ủy ban thế vận Trung Quốc mời về nước để đại diện nước nhà thi đấu, mặc dù cô sinh ra ở Mỹ và nói tiếng Hoa không sành, đã gây ra nhiều tranh cãi, nhưng đa phần là sự chỉ trích từ khán giả Trung Quốc trong nước, khi cô vấp ngã trên đấu trường trượt băng nghệ thuật. Hôm nay trong bài nhận định của USA Today, trường hợp của vận động viên Eileen Gu trong môn trượt băng nhảy cao, cũng đang gặp phải sự chỉ trích vì nguồn gốc của cô.

Eillen Gu sinh ra ở thành phố San Francisco từ bố mẹ đến từ Trung Quốc. Vào mùa thu này cô sẽ vào học trường đại học danh tiếng Stanford. Thế nhưng sau khi thành công trong đợt thi trượt băng nhảy cao 70 thước, cô đang bị chất vấn là tại sao cô sinh ra ở Mỹ, nhưng lại về nước để thi đấu dưới màu cờ của Trung Cộng, một quốc gia đang tiếp tục có hiềm khích với Hoa Kỳ trên nhiều phương diện, từ mậu dịch đến ngoại giao.

Gu bị chửi bới trên mạng, gọi cô là kẻ phản bội, yêu cầu cô hãy ở lại Trung Quốc và đừng về sống ở Mỹ nữa. Thực tế cho thấy, rất khó cho các vận động viên ngoại quốc có thể thi thố tài năng một cách yên bình nếu như họ sinh ra ở một nơi, nhưng thi đấu đại diện cho màu cờ một nơi khác.

Khi được hỏi về những lời chỉ trích trên mạng, cô Gu cho biết, cô cảm thấy mình là người Mỹ và người Trung Quốc cùng lúc. Cô là người Mỹ khi sống ở Mỹ, và là người Hoa khi đến Trung Quốc, và cô đều gửi lời tri ân cho cả hai quốc gia. Quan điểm của Eileen Gu là thế thao cần mang lại sự đoàn kết thay vì chia rẽ, thi đấu sẽ giúp mang lại lợi thế cho mọi người chứ không riêng gì với ai cả. Tuy nhiên theo bài nhận định của USA Today, cái khó cho vận động viên Mỹ gốc Trung Quốc là tình hình chính trị và căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước, cũng là điểm nhắm vào cá nhân họ.

Khi Gu đồng ý sang Trung Quốc thi đấu thế vận năm 2019, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng, từ vụ đàn áp phong trào đòi tự do dân chủ ở Hồng Công, cho đến khi Hoa Kỳ tuyên bố không cho phái đoàn ngoại giao tham dự Thế Vận Hội vì tình trạng vi phạm nhân quyền của Trung Cộng đối với người hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Vì những điểm này, khó lòng tách rời giữa chính trị với Thể Thao. Thứ hai, luật của Trung Quốc cấm công dân được mang hai quốc tịch.

Để thi đấu dưới màu cờ của Trung Quốc, cô Gu phải từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ, tương tự như trường hợp của Chu Nghị. Chỉ vì thể thao mà phải từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ, thì hành động này rõ ràng dưới mắt người Mỹ là sự phản bội. Vì thế dù đoạt huy chương vàng và nhận được nhiều ưu đãi từ các hợp đồng quảng cáo ở Trung Quốc, nhưng khi về lại Mỹ, Gu vẫn an nhàn được sự bảo vệ từ luật pháp của Hoa Kỳ, vẫn đi học trường danh tiếng Stanford, trong khi ở Trung Quốc, hàng triệu người phải sống trong tình trạng bị đàn áp chỉ vì không thuận theo đường lối độc tài của nhà cầm quyền Trung Cộng.

Lẽ đương nhiên cô Gu hay Chu Nghị, có sự lựa chọn cá nhân, ủng hộ Trung Quốc và nhận được sự ưu ái từ nhà cầm quyền, kể cả người dân Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng phải nhận những lời chỉ trích vì sự ích kỷ, không quan tâm đến yếu tố chính trị đang gây đau khổ cho hàng triệu người dân Trung Quốc từ vùng Tân Cương. Theo USA Today, dù muốn dù không, Gu và Chu Nghị phải sống trong hoàn cảnh tranh chấp chính trị giữa hai nơi, và tìm cách cân bằng cho vị thế rất khó thay đổi quan điểm của cả hai quốc gia.

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV