HTT: Hôm nay trên bản tin của đài phát thanh công lập NPR ở thủ đô Washington đề cập đến tình trạng xung đột đang diễn ra trong nội bộ 9 thành viên tòa tối cao pháp viện, và làm người ta liên tưởng đến nội bộ của tòa tối cao vào thập niên 1940. Thời gian đó, nhiều người đã nhạo báng các vị thẩm phán tòa tối cao pháp viện là tòa án của những con bò cạp, vì chúng chỉ muốn giành đất và sẵn sàng đấu đá nội bộ lẫn nhau.
Một trong những nguyên nhân dẫn tình trạng đấu đá hôm nay đến từ việc mang khẩu trang. Vào tháng này, kể từ khi các vị thẩm phán tòa tối cao trở lại làm việc, mọi người đều mang khẩu trang, ngoại trừ thẩm phán Neil Gorsuch, người do cựu TT Trump bổ nhiệm. Trong khi đó nữ thẩm phán Sonia Sotomayor, người được cựu TT Obama bổ nhiệm, được xem là tiếng nói ôn hòa trong tòa, lại là người bị bệnh tiểu đường, nằm trong thành phần có nguy cơ bệnh trở nặng nếu nhiễm Covid-19, vì thế bà rất lo sợ tiếp xúc với mọi người chưa chích ngừa, hoặc không mang khẩu trang. Khi biết người đồng viện của mình là thẩm phán Gorsuch không chịu mang khẩu trang khi vào phòng xử, bà đã không xuất hiện, và chỉ nói chuyện qua máy vi âm từ phòng riêng của bà. Với căng thẳng hiện nay và như muốn tòa làm gương cho mọi người, ông chánh án tòa tối cao là thẩm phấn John Roberts đã đề nghị các vị thẩm phán khi vào phòng xử nên mang khẩu trang.
Tuy nhiên, như một hành vi kháng cự, thẩm phán Gorsuch, một người bảo thủ vẫn không mang khẩu trang. Điều đáng chú ý là trong các vị trí sắp xếp khi ngồi vào bàn xử án, thẩm phán Gorsuch lại được xếp ngồi kế bà Sotomayor, và mặc cho lời yêu cầu của bà là mọi thẩm phán cần mang khẩu trang khi vào phòng xử, và vì sự quan tâm đến người khác, ông Gorsuch vẫn nhất mực không mang khẩu trang. Việc ông Gorsuch không mang khẩu trang cũng đồng nghĩa, cuộc họp hàng tuần theo lịch trình làm việc của tòa tối cao cũng bị ảnh hưởng vì bà Sotomayo cương quyết không vào phòng họp cho đến khi mọi người phải mang khẩu trang. Đây là điểm chưa khi nào xảy ra trong lịch sử của tòa tối cao pháp viện kể từ ngày thành lập đến nay.
Theo tường trình của một chuyên gia đang theo dõi hoạt động của tòa tối cao, thì việc tranh luận về sự bất đồng về quan điểm luôn xảy ra, trong bất cứ vụ kiện nào được đưa lên tòa tối cao, nhưng nhìn vào cục diện của tòa hôm nay, người ta đều thấy rõ, quan điểm về đại dịch cũng đã được chia sẻ thông qua chiếc khẩu trang. Tính từ thập niên 1930 đến nay, chưa khi nào tòa tối cao pháp viện lại có nhiều thẩm phán theo chủ trương bảo thu như thế, khiến khối đa số hiện nay đang nghiêng về phe bảo thủ, đến độ, nhiều người quan tâm là nhiều khả năng, tòa tối cao có thể lật ngược phán quyết về quyền phá thai của người phụ nữ, được đưa ra từ nửa thế kỷ trước. Vị thế chính trị của tòa tối cao pháp viện có nhiều thay đổi trong 50 năm qua, và đến nay có đến 15 vị thẩm phán vẫn giữ nguyên phán quyết cho phép phụ nữ phá thai. Tình trạng căng thẳng đến độ vào năm ngoái khi nghe trình bày về vụ kiện ở Texas liên quan đến việc cấm phá thai cho bào thai 8 tuần tuổi, thẩm phán Sotomayor đã đưa ra lời khuyến cáo, rằng, liệu tòa tối cao có thể sống còn được hay không nếu như tạo cho dư luận thấy, hiến pháp hoa kỳ chỉ là một hành động của chính trị. Ý bà Sotomayor cho rằng, tòa tối cao pháp viện sẽ trở thành sân chơi cho các vụ đấu đá chính trị, mà lẽ ra, phải là nơi mà công lý được thi hành, bất kể quan điểm chính trị của các vị thẩm phán là gì đi chăng nữa.
Dù muốn dù không, hành động của một thẩm phán tòa tối cao pháp viện nhất định không mang khẩu trang, và một thẩm phán nhất định yêu cầu mọi người phải mang khẩu trang, đã cho công luận Hoa Kỳ thấy rõ quan điểm chính trị đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những phán quyết của tòa cao cấp nhất của nước Mỹ hôm nay.
Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV