Menu

Vụ án lừa đảo từ một phụ nữ trẻ, thông minh (xem Video)

Vào năm 2015, tạp chí về kinh doanh Forbes đã đăng ảnh Elizabeth Holmes trên trang bìa, vinh danh cô là phụ nữ trẻ tuổi nhất nhưng là người giàu nhất nước Mỹ, khi công ty do cô sáng lập có ước lượng trị giá 9 tỉ mỹ kim, nhưng chỉ một năm sau, tạp chí Forbes đã sửa lại tin tức này và ước tính trị giá của Elizabeth Holmes là con số 0 và nằm trong danh sách những kẻ lãnh đạo tệ hại nhất trên thế giới. Tại sao một nhân vật trẻ tuổi, xinh đẹp, thông minh lại từ voi xuống chó đến như vậy. Tất cả là do lòng tham vọng, ảo tưởng và sẵn sàng làm mọi thứ dù biết là vi phạm luật, để tạo sự chú ý của dư luận đến tên tuổi của mình.

Elizabeth Holmes sinh năm 1984 ở thủ đô Washington, có người bố từng làm phó giám đốc công ty Enron, là công ty chuyên về năng lượng nhưng mang tai tiếng lừa đảo hồ sơ kế toán, dẫn đến cuộc điều tra của liên bang và sau đó phải phá sản. Holmes khi lớn lên được xem là một thiếu nữ thông minh, đam mê điện toán, sau đó chuyển sang ngành kỹ sư hóa, được trường đại học danh tiếng Stanford ở California nhận. Nhưng học được năm đầu tiên, cô đã rời Stanford để chuyển sang làm việc cho một phòng thí nghiệm ở Singapore. Đến năm 2004 cô sử dụng tiền học để đầu tư vào công ty do cô sáng lập chuyên nghiên cứu về kỹ thuật y tế cho người tiêu thụ.

Khởi nghiệp từ trung tâm của nhiều đại công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Facebook, Apple ở Palo Alto, California, Elizabeth Holmes thành lập công ty mang tên Theranos và có ý tưởng sáng chế một chiếc máy có khả năng xét nghiệm máu và đoán biết bệnh trạng trong thời gian ngắn nhất, chỉ cần một giọt máu.

Vào thời điểm này và cho đến nay, việc xét nghiệm máu phải qua một tiến trình rất công phu và tốn kém, chỉ có những phòng thí nghiệm lớn mới làm được. Nếu chiếc máy nhỏ của Elizabeth Holmes có khả năng làm được cuộc xét nghiệm máu, đơn giản, rẻ tiền, tiềm năng của công ty Theranos, rõ ràng sẽ trị giá bạc tỉ. Đó là nguyên nhân chính Elizabeth Holmes muốn chứng minh cho các nhà đầu tư biết về khả năng tạo ra được chiếc máy có một không hai đó. Năm 2004 cô nhận được 6 triệu mỹ kim đầu tư, đến cuối năm 2010, cô nhận hơn 92 triệu mỹ kim đầu tư cho công khởi nghiệp, vì ai cũng thấy tiềm năng của chiếc máy thần kỳ do Holmes giải thích.

Nhiều người sau này cho biết, ngoài sự thông minh, Elizabeth Holmes còn có tài thuyết phục người khác để tin vào khả năng của mình, vì thế, ngay cả các nhân vật nổi tiếng trong chính phủ như cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ George Shultz, đồng ý làm thành viên của hội đồng quản trị công ty Theranos và càng tạo thêm tiếng vang cho công ty. Chỉ 3 năm sau, Holmes đã được vinh danh là người thành lập được hội đồng quản trị danh tiếng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Liên tục trong vài năm sau đó, công ty Theranos tiếp tục nhận được nguồn đầu tư 400 triệu mỹ kim và được lượng giá là công ty 9 tỉ mỹ kim.

Trong suốt nhiều năm, Theranos làm việc trong âm thầm và không hề đưa ra các kết quả thử nghiệm máu cho giới truyền thông được biết. Elizabeth Holmes vẫn tiếp tục vận động giới đầu tư và mặc dù kết quả thử nghiệm không thành công, lỡ phóng lao phải theo lao, cô yêu cầu nhân viên sử dụng kết quả thử nghiệm từ nơi khác để làm kết quả cho chiếc máy nhỏ của mình. Thậm chí Holmes lừa được công ty Walgreen để hợp tác chung trong việc khai trương các cửa hàng thu nhận máu thử nghiệm của bệnh nhân. Tuy nhiên sự lừa đảo của Elizabeth Holmes đã bị chính nhân viên trong phòng thí nghiệm khai sự thật với tờ Wall Street Journal, dẫn đến cuộc điều tra và đến năm 2021, Elizabeth bị truy tố với kết quả trong phiên xử hôm Chủ Nhật vừa qua, cô bị 4 tội lừa đảo người đầu tư, 3 tội chuyển tiền gian, 1 tội âm mưu chuyển tiền gian, với khả năng chịu mức án lên đến 20 năm tù giam.

Tờ New York Times đã gọi trường hợp của Elizabeth Holmes là biểu tượng của sự sụp đổ từ một nền văn hóa đầy tham lam, thổi phồng và áp lực ở thung lũng Silicon, nơi của nhiều bao nhiêu công ty khởi nghiệp rồi phải phá sản vì đã bị thổi phồng quá đáng thành ảo tưởng.

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV