TEXAS (LSTV) – Việt Nam là nơi có nhóm tin tặc trong số ít nhất 17 nhóm được chính phủ ủng hộ dùng dịch vụ nhằm theo dõi và tống tiền nạn nhân của Công ty có tên Cloudzy.
Theo Đài Á Châu Tự Do (RFA), các nhà nghiên cứu tại công ty an ninh mạng Halcyon trụ sở tại Texas đưa ra thông tin vừa nêu trong báo cáo được công bố trong ngày 1 Tháng 8. Ngoài Việt Nam, những nước có các nhóm tin tặc tương tự dùng dịch vụ của Cloudzy được cho biết gồm Trung Quốc, Nga, Iran, Bắc Hàn, Ấn Độ, Pakistan.
Halcyon phát hiện được hoạt động của Cloudzy bằng cách vạch ra bản dấu chân thông qua biện pháp thuê máy chủ trực tiếp của Cloudzy và kết nối với các hoạt động tin tặc đã biết.
Tin này bị giới chức điều hành Cloudzy, ông Hannan Nozari, phản bác. Vị này cho rằng công ty của ông không thể phải chịu trách nhiệm cho khách hàng, mà theo ước tính của ông chỉ có 2% là xấu độc. Trong khi đó theo Halcyon thì chừng phân nửa thương vụ của Cloudzy là xấu độc, bao gồm việc cho các nhóm mã độc tống tiền thuê dịch vụ.
Giới bảo vệ an ninh mạng cho rằng trường hợp Cloudzy như vừa nêu là một điển hình về cách thức mà các tin tặc và những băng nhóm dùng mã độc tống tiền tiến hành những phi vụ lớn thông qua các công ty nhỏ trong lĩnh vực không gian mạng.
/////
Người Việt Nam thuộc nhóm nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới
SÀI GÒN (LSTV) – Người Việt Nam thuộc nhóm có nguy cơ đột quỵ cao nhất, với tỉ lệ ước tính 218/100,000 dân nhưng số lượng đơn vị điều trị đột quỵ ở Việt Nam hiện còn ít, đáng báo động.
Theo ông Nguyễn Huy Thắng, chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM kiêm trưởng khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, số ca đột quỵ ở Việt Nam sẽ vào khoảng 200,000 ca mỗi năm, rất đáng báo động.
Theo ông Thắng, hiện đã có 110 trung tâm đột quỵ được thành lập trên toàn quốc. Trong khi nhu cầu cần trên 400 trung tâm. Phần lớn các trung tâm tập trung tại những thành phố lớn như Sài Gòn hoặc Hà Nội. Còn khá nhiều tỉnh thành lớn tại ba miền cho đến nay vẫn chưa có trung tâm đột quỵ. Hậu quả là nhiều bệnh nhân từ các tỉnh phải mất vài tiếng mới có thể tiếp cận được trung tâm đột quỵ gần nhất.
Hiện tại, một trung tâm đột quỵ tại Việt Nam phải phụ trách cho trên 2,000 bệnh nhân/năm, so với Mỹ chỉ 300 bệnh nhân. Theo khuyến cáo, trong điều kiện lý tưởng là 500 bệnh nhân/một trung tâm đột quỵ
./////
Đòi nợ, hơn 30 người mang súng đánh nhau như băng đảng
VĨNH LONG (LSTV) – Có mâu thuẫn trong việc vay mượn nợ, hai nhóm thanh niên ở Vĩnh Long và Bến Tre đã hẹn gặp nhau tại một bãi đất trống ở tỉnh Tiền Giang để đánh nhau.
Theo tin của Tuổi Trẻ Online, khoảng 1 giờ sáng ngày 29 Tháng 7, Công an tỉnh Tiền Giang và Bến Tre chốt chặn, bắt giữ 31 thanh niên có hành vi tàng trữ súng và nhiều loại hung khí nóng. Những người này có độ tuổi từ 24 – 35, thường trú trên địa bàn các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang… Họ đi 6 xe ô tô (loại 4 chỗ ngồi và 7 chỗ ngồi) từ Bến Tre sang Tiền Giang để giải quyết mâu thuẫn.
Tại hiện trường, công an đã tạm giữ 4 khẩu súng (hiện chưa rõ loại), 25 viên đạn, 1 quả nổ tự chế, 1 bình xịt hơi cay, 1 áo khoác chống đạn, 5 dao bấm, 2 túi ni lông chứa chất bột (nghi là ma túy), 11 điện thoại di động, 6 xe ô tô và 1 giấy tờ có liên quan.
Xét nghiệm nhanh, cơ quan công an phát hiện 16 người dương tính với các chất ma túy.
Theo lời khai ban đầu, những thanh niên này có mâu thuẫn với một nhóm thanh niên khác ở tỉnh Vĩnh Long trong việc cho vay và vay mượn nợ, nên cả hai nhóm hẹn gặp để đánh nhau.
/////////////////
Điều trị bệnh nhân ‘ảo’, phó giám đốc bệnh viện và 6 nhân viên bị khởi tố
NGHỆ AN (LSTV) – Công an TP Vinh, Nghệ An hôm 8 Tháng 1 cho biết đã khởi tố 1 phó giám đốc và 6 nhân viên Bệnh viện Đa khoa Thái An về hành vi gian lận bảo hiểm y tế khi lập hồ sơ bệnh nhân ‘ảo’ để thanh toán tiền bảo hiểm y tế.
Theo hồ sơ vụ án, một số người tham gia bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm thương mại không có bệnh, không có nhu cầu khám chữa bệnh tìm “cò” móc nối đến Bệnh viện Đa khoa Thái An để nhằm mục đích trục lợi bảo hiểm y tế.
Tại đây, người có nhu cầu cung cấp căn cước công dân và thẻ bảo hiểm y tế cho điều dưỡng gặp bác sĩ để ký hợp thức hóa thủ tục khám và điều trị. Hằng ngày, mặc dù các bệnh nhân không điều trị tại bệnh viện nhưng bác sĩ, điều dưỡng đều tham gia “ký khống” vào hồ sơ bệnh án.
Khi thấy đủ số ngày lập hồ sơ bệnh án thì điều dưỡng thông báo cho người có tên trong hồ sơ bệnh án đến ký thủ tục và thanh toán viện phí theo hồ sơ bệnh án đã lập.
Từ năm 2011 đến đầu 2023, Bệnh viện Đa khoa Thái An đã lập khống 153 hồ sơ bệnh án. Trong đó, có 59 hồ sơ do người có sử dụng thẻ bảo hiểm y tế khi lập hồ sơ bệnh án nên Bệnh viện Đa khoa Thái An đã được Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An thanh toán chi phí khám chữa bệnh với số tiền hơn 100 triệu đồng.
Ngoài ra, những người sau khi được Bệnh viện Đa khoa Thái An làm giả hồ sơ bệnh án đã giải quyết quyền lợi hỗ trợ chi phí nằm viện với các công ty bảo hiểm thương mại với số tiền hơn 2 tỉ đồng.
////