(theo RFA) Cư dân sắc tộc bản địa hay ‘đồng bào thiểu số’ ở Đắk Lắk, Tây Nguyên đã bị ‘truất hữu đất đai của tổ tiên’ nơi mà nhà nước Việt Nam áp dụng chính sách ‘thuộc địa’. Còn nếu đã coi ‘đồng bào thiểu số’ là ‘anh em ruột thịt’ thì chính quyền cần có chính sách bảo vệ đồng bào ‘dân tộc anh em’. Đây là ý kiến một nhà quan sát và phân tích thời sự chính trị Việt Nam chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do hôm 19/6/2023.
Trả lời câu hỏi của RFA Tiếng Việt hôm thứ Hai đề cập một số vấn đề thời sự và chính trị – xã hội của Việt Nam, mà câu hỏi đầu tiên là liệu biến cố xảy ra ở Đắk Lắk hôm 11/6/2023 có đơn thuần chỉ là hành động mang tính ‘khủng bố’, hay ‘tự phát’ của một nhóm người mà không có một căn nguyên gì đặc biệt cả, hay là có thể trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan một căn nguyên nào đó, từ Sài Gòn, kinh tế gia Bùi Kiến Thành, đáp trên quan điểm riêng của ông:
“Trong chính sách phát triển vùng đất Tây Nguyên, nhà nước đã triển khai những đợt di dân quy mô lớn từ các tỉnh, trong đó có miền Trung, miền Bắc lên lập nghiệp.
Trong khi đó đồng bào thiểu số bị truất hữu đất của Tổ tiên của họ từ nghìn năm để lại mà cháu con có nghĩa vụ gìn giữ.
Theo tôi, đã xem đồng bào thiểu số là anh em ruột thịt thì nhà nước cần phải có chính sách bảo vệ các “dân tộc anh em” thiểu số.
Đã chấp nhận họ là đồng bào, là công dân của cùng một quốc gia, thì nhà nước phải tôn trọng và bảo vệ quyền công dân của đồng bào.”