Một trong những thành tựu về khoa học, nhất là ngành nghiên cứu không gian vừa đạt được sau một thời gian dài nghiên cứu và thử nghiệm đã chính thức phóng vào không gian hôm 25 tháng 12 vừa qua.
Viễn vọng kính James Webb hiện là viễn vọng kính lớn nhất thế với về mọi mặt để các nhà khoa học hy vọng hiểu thêm về vũ trụ, giải đáp được phần nào những thắc mắc đã có từ nhiều năm qua. Trị giá của viễn vọng kính James Webb tính đến thời điểm phóng đã lên đến 10 tỉ mỹ kim với ngân sách từ Hoa Kỳ, Canada và Châu u đóng góp. Hơn 2000 khoa học gia không gian và kỹ thuật trên toàn thế giới tham gia vào công trình này và trở thành nền tảng quan trọng nhất cho các cuộc nghiên cứu không gian xa hơn nữa trong tương lai.
Trước khi đi vào nghiên cứu viễn vọng kính James Webb, Hoa Kỳ và thế giới chỉ có được viễn vọng kính Hubble, được phóng lên quỹ đạo quả đất năm 1990. Tuy nhiên vì kỹ thuật còn kém, vì thế nhiều câu hỏi về vũ trụ vẫn chưa được trả lời. Nguyên nhân chính là vì nhiều ánh sáng và tín hiệu trong vũ trụ không được viễn vọng kính Hubble thu nhận được và hình ảnh còn mờ. Sau khi được phóng lên và tìm thấy những giới hạn của Hubble, cơ quan nghiên cứu không gian Hoa Kỳ NASA đã bắt tay vào công trình nghiên cứu vào năm 1996 với loại viễn vọng kính mới, mạnh hơn nhiều lần và được chế tạo bởi những kỹ thuật mới tối tân nhất thế giới. Mãi đến năm 2016, tức 20 năm sau đó, công trình xây dựng viễn vọng kính James Webb mới hoàn tất và khởi sự thử nghiệm, nhưng sau 5 năm trì hoãn và hoàn chỉnh, viễn vọng kính mới chính thức phóng vào không gian.
Khác xa với viễn vọng kính Hubble 30 năm trước, sử dụng kính thủy tinh để thu nhận ánh sáng từ vũ trụ. Viễn vọng kính James Webb sử dụng tia hồng ngoại hay Infared để thu nhận những hạt ánh sáng từ không gian bay đến.
Cho đến hôm nay, các nhà khoa học về nghành không gian vẫn tiếp tục thắc mắc về sự hình thành của vũ trụ. Mặc dù được xác định đến từ gần 14 tỉ năm trước, bắt đầu từ một vụ nổ và các ngôi sao, bao gồm mặt trời, mặt trăng quả đất trong thái dương hệ, được bắn ra từ đó. Nhưng đây chỉ là giả thuyết và cần thêm các dữ kiện khoa học để chứng minh xa hơn nữa về mối tương quan giữa thời gian và không gian, chưa kể là sự hình thành của những lỗ đen trong vũ trụ. Ngoài ra các nhà khoa học muốn tìm hiểu xa hơn nữa là có sự sống ngoài quả đất này hay không và sự phát triển của vũ trụ rộng đến chừng nào, cũng như thời điểm sinh ra và chết đi của những ngôi sao.
Tuy nhiên việc phóng thành công lên không gian viễn vọng kính mạnh nhất thế giới hiện nay chỉ mới đạt được nửa phần. Nửa phần còn lại là sau khi đến độ xa cần thiết, tức khoảng 1 triệu dặm từ quả đất, liệu rằng, viễn vọng kính có hoạt động đúng tiêu chuẩn hay không, vì vẫn còn nhiều rủi ro trong vài tuần lễ tới cho đến khi nhận được các tín hiệu đầu tiên và gửi về quả đất.
Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV