Menu

Trung Quốc: Sự thật về lũ lụt là bí mật của nhà nước (xem Video)

Trung Quốc hôm nay không đương đầu với đại dịch Covid-19 nhưng thiệt hại từ những trận bão lũ trong thời gian qua còn hơn cả Covid. Theo những nguồn tin từ những tỉnh thành nơi xảy ra thiên tai, số người chết, bị thương và thiệt hại tài sản lên con số khủng hoảng thế nhưng trên mặt báo chí truyền thông do nhà cầm quyền Trung Cộng kiểm soát thì hoàn toàn khác. Ngoài ra, ảnh hưởng từ lũ là một phần nhưng còn do hệ lụy từ hệ thống đập mà Trung Quốc đã xây dựng từ nhiều năm qua nhằm cung cấp điện cho mức tiêu thụ ngày càng cao.

Vào hôm 25 tháng 7 qua, chính quyền của tỉnh Hà Nam mở cuộc họp báo khẩn cấp nhằm công bố số liệu thiệt hại từ lũ lụt qua đó từ ngày 16 đến ngày 25 tháng 7, chưa đủ 10 ngày, mưa lũ đã gây ảnh hưởng cho 139 quận huyện ở tỉnh Hà Nam với dân số khoảng 11 triệu 450 ngàn người. Con số người thiệt mạng do chính quyền đưa ra là 63 và 5 người mất tích, thế nhưng trên thực tế, trên mạng, rất nhiều gia đình ở tỉnh Hà Nam cho biết, số người thiệt mạng cao hơn rất nhiều mà không được báo cáo đầy đủ, họ vẫn đang hy vọng liên lạc được với người thân bị mất tích trong trận đại lụt. Lý do chính là một trong những tai họa lớn nhất trong trận lụt lớn năm nay không phải do thiên tai mà do chính nhà cầm quyền Trung Cộng tạo ra, đó là đường hầm Jingguang, trong thành phố Trịnh Châu vào ngày 20 tháng 7 đã chìm trong nước lũ, với lượng người rất lớn bị kẹt trong đường hầm dài gần 2 cây số.

Theo nhân chứng thuật lại, chỉ trong 5 phút, nước lũ đã nhận chìm đường hầm với hàng trăm chiếc xe hơi bị kẹt bên trong, rất nhiều người kẹt bên trong xe mà không thể thoát ra kịp vì thế họ bị chết đuối trong đường hầm, một số người may mắn khi nhìn thấy nước lũ tràn vào, họ đã nhanh chóng đi bộ thoát ra.

Theo lời nhân chứng, những ai tiếc vì không muốn bỏ xe đã trở thành nạn nhân của lũ, ngay cả nhiều người tìm cách thoát ra khỏi xe nhưng cũng không dễ dàng vì nước lũ tràn vào quá nhanh. Hậu quả không phải chỉ vài chục người thiệt mạng mà số người chết lên đến hàng trăm, hoàn toàn khác hẳn với số liệu do nhà chính quyền tỉnh Hà Nam đưa ra. Người dân cho biết, họ rất phẫn nộ vì người thân của họ tử vong mà không được chính quyền nhắc đến, vì chỉ cần nhìn vào số lượng hoa do người thân mang đến để tưởng nhớ cũng đủ cho thấy số người chết lên rất cao. 

Theo những chuyên gia, tình trạng nước lũ đổ vào đường hầm và thành phố Trịnh Châu quá nhanh không phải là do mưa lớn, mà do chính quyền đã tháo đập nước Changzhuang ở thượng nguồn để tránh tình trạng vỡ đập. Thế nhưng điều đáng chỉ trích hơn là chính quyền Trịnh Châu biết trước là nước sẽ đổ từ đập xuống mà không hề báo trước cho người dân biết để tránh di chuyển trong ngày mưa. Nếu được báo trước, tương tự như việc phong tỏa vì dịch, sẽ giúp tránh tình trạng người dân vẫn đi làm bình thường trong buổi chiều ngày 20 tháng 7, trong khi nước thoát từ đập đã được tính trước, hậu quả là họ bị kẹt trong đường hầm đến chết. Không những vậy, nhiều người dân trong thành phố Trịnh Châu cũng tử vong vì lụt do nguồn nước từ đập thoát ra, có hơn 376 ngàn người đã phải được giải cứu và đưa đến khu vực cao an toàn hơn. 

Với sự phát triển về kinh tế vượt bực của Trung Quốc trong thời gian qua, nhu cầu về điện và xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở đã buộc chính quyền xây dựng hàng ngàn con đập ngăn nước để tạo điện, thế nhưng mỗi khi có mưa lớn, hệ thống đập này lại đe dọa đến mạng sống của người dân trong các thành phố thấp bên dưới đập. Cơn lũ năm nay là điềm báo động cho tình trạng lũ lụt thất thường trong thời gian sắp tới và là hậu quả mà lẽ ra nhà cầm quyền Trung Cộng cần phải biết trước để tìm phương án phát triển khác.   

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài Little Sài Gòn TV