Menu

Trung Quốc muốn đàm phán với Hoa Kỳ về nhiều vấn đề

Đầu tuần này thế giới rất đỗi ngạc nhiên sau khi hay tin là Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình ra tuyên bố muốn mở lại các cuộc thảo luận với Hoa Kỳ trên mọi phương diện để cùng hợp tác với nhau. Sau đó người ta thấy Hoa Kỳ và Trung Quốc ra tuyên bố cùng cam kết trong nỗ lực giảm khói thải gây hiệu ứng toàn cầu. Tuyên bố này đưa ra trong cuộc họp về môi sinh tại Glasgow của Tô Cách Lan, kết thúc hôm nay Thứ Sáu 12 tháng 11. Cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hiện giữ vai trò lãnh đạo phái đoàn Hoa Kỳ về môi sinh tại cuộc họp thượng đỉnh ở Glassgow cho biết ngoài việc cam kết giảm khói thải, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng muốn nối lại cuộc họp với TT Biden về các vấn đề như mậu dịch, nhân quyền và hoạt động quân sự.

Joe Biden holds first call with Xi Jinping since taking office | Financial Times

Trong nhiệm kỳ của TT Trump, quan hệ giữa Hoa Kỳ và  Trung Quốc đã gặp phải mâu thuẫn lớn, đầu tiên là vấn đề mậu dịch, khi TT Trump tuyên bố mức thuế mới đánh vào hàng của Trung Quốc vì sự cạnh tranh không cân bằng dẫn đến thâm hụt mậu dịch cho Hoa Kỳ. Sang đến nhiệm kỳ của TT Joe Biden, mức thuế này vẫn còn giữ nguyên và chưa có chính sách thay đổi. Vào thời điểm tranh chấp mậu dịch đang diễn ra thì xảy ra trận đại dịch Covid-19 mà cựu TT Trump gọi là dịch cúm Trung Quốc và yêu cầu mở cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch. Sang đến thời TT Biden, tiến trình điều tra vẫn tiếp tục được mở rộng, một điều mà Trung Quốc hoàn toàn bác bỏ, đồng thời gây ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước. Cũng trong thời gian xảy ra đại dịch, hàng không mẫu hạm và chiến hạm của Hoa Kỳ lẫn Anh Quốc tiếp tục xuất hiện trong vùng biển tranh chấp, từ Biển Đông của Việt Nam cho đến vùng biển Đài Loan nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải, đồng thời khẳng định việc bảo vệ Đài Loan trước hiểm họa tấn công của Đại Lục.

Theo các chuyên gia, kể từ khi xảy ra đại dịch đến nay Trung Quốc đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn mọi mặt, thứ nhất phải giữ cam kết giảm khói thải, không những đối với cộng đồng quốc tế, mà còn đối với hiểm họa do thán khí tạo ra lên 1 tỉ 400 triệu người dân Trung Quốc. Vì là quốc gia sản xuất hàng hóa nhiều nhất thế giới, Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia gây ô nhiễm môi sinh cao nhất thế giới. Việc cam kết giảm khói thải xảy ra vào thời điểm giá dầu tăng mạnh sau đại dịch đã khiến Trung Quốc rơi vào hoàn cảnh khó vì năng lượng, không thể sử dụng than đá và phải trả giá cao cho dầu hỏa và khí đốt, buộc lòng phải giảm thiểu mức tiêu thụ điện trên toàn quốc. Giảm tiêu thụ điện cũng đồng nghĩa với việc giảm năng xuất cho các công ty đang có hợp đồng giao hàng cho Hoa Kỳ và thế giới, gián tiếp gây khó khăn cho các doanh nghiệp Trung Quốc trong nước. Chưa kể giảm tiêu thụ than đá cũng khiến thực phẩm nhất là rau xanh bị khan hiếm trong khi Trung Quốc đang bước vào mùa đông lạnh giá và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì hạn hán lẫn lũ lụt trong năm nay.

Trước những khó khăn này, Trung Quốc không thể giữ mãi sự hiềm khích với cộng đồng quốc tế, nhất là đối với Hoa Kỳ, đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc, vì vậy cần thay đổi để làm sao, tránh đối đầu và tập trung vào sự cạnh tranh mang tính lạc quan, trong cùng lúc tạo được sự hợp tác tích cực để giải quyết khủng hoảng môi sinh và làm giảm tác hại từ đại dịch Covid-19. Một giới chức ngoại giao của Trung Quốc cho biết về nội dung mà hai nhà lãnh đạo có nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ thảo luận trong cuộc họp vào ngày Thứ Hai tới đây. Cuộc họp này cũng nhằm tạo ra cơ hội để Trung Quốc thực hiện cam kết mở cửa và chia sẻ cơ hội phát triển hơn nữa cho thế giới, trong khi phía TT Joe Biden cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa về mậu dịch với các quốc gia vùng Châu Á.

Mặc dù chưa biết kết quả cuộc họp giữa ông Tập và TT Biden sẽ như thế nào, nhưng cộng đồng quốc tế đã cảm thấy lạc quan hơn trước diễn biến này, xem đây là một tín hiệu tốt cho cả thế giới về nhiều lãnh vực, từ môi sinh đến mậu dịch.

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV