Trong vài tuần qua, người dân Trung Quốc đã ta thán về tình trạng cúp điện luân phiên khiến đời sống và sinh hoạt gặp nhiều trở ngại. Thế nhưng ngoài việc phải leo cầu thang nhiều tầng vì thang máy không hoạt động, cho đến việc tắm phải canh giờ vì máy bơm nước bị ngừng vì cúp điện, vấn đề quan trọng lớn hơn là thiếu điện đang gây hại đến sự tăng trưởng kinh tế không chỉ riêng cho Trung Quốc mà có nguy cơ lây lan trên khắp thế giới. Trong vài tuần qua, hầu hết các đại công ty ở Trung Quốc đã được thông báo là phải giới hạn mức tiêu thụ điện vì hệ thống điện của cả Trung Quốc không đủ cung cấp.
Điểm đáng chú ý là tại các tỉnh nổi tiếng xưa nay là nguồn sản xuất hàng đầu của Trung Quốc lại đang bị thiếu điện trầm trộng, không những đe dọa đến sinh hoạt thường nhận của người dân mà cả hoạt động kinh doanh trong nước nữa. Tại tỉnh Quảng Đông, trung tâm kỹ nghệ và chuyển hàng của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng vì tình trạng thiếu điện. Đa số các công ty đều nhận giấy báo là phải giảm hoạt động nhà máy sản xuất chỉ còn 2 hoặc 3 ngày trong tuần mà thôi, có nghĩa là mức sản xuất bị giảm đến ⅓ hay hơn cho mỗi công ty.
Theo các chuyên gia về năng lượng, Trung Quốc hôm nay đang đương đầu với một cơn bão toàn diện, tiếng Anh là Perfect Storm, có nghĩa mọi khó khăn đều đang đổ dồn đến cho Trung Quốc, lý do là giá năng lượng đang tăng mạnh, từ dầu thô đến than đá, thứ hai chính quyền Trung Quốc một mặt phải bảo đảm nguồn năng lượng cho sinh hoạt của người dân và cơ sở thương mại, mặt khác phải đi đúng hướng với nhu cầu bảo vệ môi sinh như đã từng cam kết để giảm
thiểu tình trạng khói thải mà Trung Quốc là một trong những quốc gia đang dẫn đầu về thán khí. Trung Quốc đã phải đương đầu với tình trạng cúp điện luân phiên vào tháng 6 vừa qua nhưng không đến nỗi tệ hại như hôm nay. Hãy tưởng tượng nếu trường hợp này xảy ra ở Mỹ khi nhà máy sản xuất chỉ làm việc được từ 2 đến 3 ngày một tuần, thì nền kinh tế của Hoa Kỳ cũng như đời sống của người dân bị ảnh hưởng tiêu cực như thế nào. May mắn là Hoa Kỳ với dân số chỉ bằng ⅕ của Trung Quốc và nguồn năng lượng dồi dào đã giúp ổn định từ giá cả đến nguồn cung cấp cho cả 50 tiểu bang Hoa Kỳ.
Trung Quốc trong thời gian qua đang cố gắng đáp ứng với cam kết là sẽ giảm thiểu nguồn thán khí thải vào môi trường vào năm 2030 và để làm được, Trung Quốc phải cắt giảm sự lệ thuộc vào dầu hỏa, than đá để vận hành những nhà máy năng lượng. Tuy nhiên cũng vào thời gian đại dịch thì ngược lại nhu cầu tiêu thụ trên thế giới lại tăng, nhất là Hoa Kỳ, đối tác mậu dịch lớn nhất của Trung Quốc. Vì đơn đặt hàng gửi đến Trung Quốc trong thời gian qua đã tăng đột biến, cộng thê
m là chuẩn bị bước vào mùa giáng sinh. Các công ty Trung Quốc đã nhận số đơn đặt hàng lên mức kỷ lục, và để kịp giao hàng cho kịp mùa giáng sinh, hầu hết các công ty đều gia tăng sản xuất, qua đó phải tiêu thụ điện nhiều hơn. Giờ đây, chuỗi cung cấp hàng hóa đang bị gián đoạn vì thiếu điện, nhiều công ty Trung Quốc đang gửi thư khuyến cáo là có nhiều khả năng hàng hóa mùa giáng sinh này sẽ không đủ để giao.
Chưa hết, trong trường hợp có hàng để giao thì Trung Quốc lại đang kẹt tàu và các kiện hàng trống để gửi hàng. Riêng ở Hoa Kỳ, tình trạng thiếu tài xế xe tải đang gây khốn đốn cho các cảng lớn ở miền Tây vì hàng bốc dỡ không kịp đã khiến tàu hàng chờ đợi nhiều tuần lễ ở ngoài khơi. Không kịp giao hàng thì hành trình quay lại cảng ở Trung Quốc cũng bị kéo dài vì thế lỡ chuyến hàng cho dịp cuối năm ở Mỹ. Hiện nay nhiều chuyên gia bán lẻ cho biết, mùa giáng sinh này rất nhiều món hàng được người tiêu thụ Mỹ ưa chuộng từ điện thoại Iphone cho đến máy điện toán chơi gamse sẽ bị thiếu hụt trầm trọng, vì tình trạng đình trệ hàng hóa ở Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng cho các nguồn sản xuất như ở Đài Loan, Singapore, Nhật, Nam Hàn… Vì thiếu hàng, người tiêu thụ sẽ phải trả giá cao hơn nhiều so với cùng món hàng vào năm ngoái.
Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV