Giao dịch USD tại một ngân hàng cổ phần. Ảnh: Giang Huy
SÀI GÒN (LSTV) – Chỉ trong 9 tháng đầu năm, kiều hối gửi về Sài Gòn đạt hơn $5.5 tỷ Mỹ kim, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thông tin trên được ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Sài Gòn chia sẻ tại Hội nghị triển khai đề án phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn thành phố hôm 11 Tháng 10.
Con số này chưa bao gồm lượng kiều hối chuyển qua các tổ chức tín dụng. Nếu tính thêm kênh này, ông Lệnh cho biết kiều hối về thành phố còn cao hơn.
Tại Công ty Kiều hối Vietcombank (VCBR), ông Trịnh Hoài Nam, giám đốc doanh nghiệp, cho biết doanh số chi trả qua đơn vị này đạt khoảng $1.8 tỷ Mỹ kim trong 9 tháng đầu năm, tăng gần 40% so với cùng kỳ 2023 và tương đương con số cả năm ngoái.
Chia sẻ cụ thể hơn, đại diện của doanh nghiệp này cho biết thị trường xuất khẩu lao động, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đóng góp chủ yếu cho lượng kiều hối về nước. Doanh nghiệp này ghi nhận xu hướng kiều hối tăng mạnh từ lực lượng xuất khẩu lao động, cả về số lượng và giá trị chuyển về trên mỗi món. Trong khi đó, thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu lại có xu hướng giảm cả về số lượng và doanh số.
Tuy nhiên, giám đốc của VCBR nhận định, vẫn còn thực trạng có lượng lớn kiều hối chuyển về nước thông qua kênh tiểu ngạch. Ông đề xuất có thêm cơ chế cho phép doanh nghiệp kiều hối được phép thực hiện dịch vụ cho các nhóm là tổ chức nước ngoài chuyển tiền về cho cá nhân trong nước. Đây là dịch vụ theo ông được nhiều đối tác quan tâm và cũng được nhiều doanh nghiệp kiều hối quốc tế triển khai.
Hàng năm, Sài Gòn luôn là thành phố ghi nhận lượng kiều hối nhiều nhất, chiếm hơn một nửa của cả nước. Năm ngoái, lượng kiều hối về thành phố gấp 2.7 lần tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và bằng khoảng 14% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).