Menu

Tim heo cấy ghép cho con người lần đầu tiên (xem Video)

HTT: Ông David Bennett, 57 tuổi đã trở thành bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được ghép tim heo, trong nỗ lực cứu mạng người của trung tâm y tế thuộc trường đại học Maryland thực hiện. Hiện nay ông Bennett vẫn nằm trong bệnh viện vì cần được theo dõi 24/24 để tìm hiểu xem, cơ thể của ông có chấp nhận một quả tim từ heo hay không. Ông Bennett là một trong số hàng chục ngàn bệnh nhân đang cần ghép nội tạng, với sự thiếu hụt trầm trọng cơ phận cần thiết từ con người, hầu hết đều phải do sự hiến tặng, chưa kể đến khó khăn của cơ thể, có thích ứng với cơ phận mới từ người khác hay không. 

Cơ quan FDA hiện cho phép việc cấy ghép cơ phận thú vật cho con người trong trường hợp được gọi là “thương cảm”, có nghĩa là cần cứu mạng người, hơn là để tạo dáng hay thẩm mỹ. Nhưng khó khăn về mặt thích ứng của cơ thể con người vẫn là rào cản lớn nhất hiện nay trong các cuộc nghiên cứu cấy ghép. Năm  ngoài có đến 41,354 bệnh nhân cần được ghép cơ phận tại Hoa Kỳ, với hơn 50% được ghép thận, và hiện nay vẫn có đến hơn 100 ngàn bệnh nhân đang chờ đợi để được ghép nội tạng, đa phần là tim và thận. 

Từ nhiều thập niên qua, do tình trạng thiếu hụt cơ phận con người trầm trọng cho cả thế giới, giới y khoa vẫn đi tìm một nguồn cung cấp nội tạng mới cho con người, dù được chế tạo hay từ nghiên cứu thú vật, sử dụng cơ phận để cấy ghép cho con người, dựa trên di truyền thể và hoạt động sinh hóa của thú vật, các nhà khoa học tìm thấy nơi loài heo, với 98% di truyền thể giống con người, là loài thú có nhiều khả năng cung cấp số nội tạng cần thiết để giúp cứu mạng người.

Không những heo nhưng loài khỉ, với trên 98% di truyền thể giống người cũng từng được nghiên cứu. Vào thập niên 60, nhiều người đã được thử nghiệm ghép thận khỉ, nhưng trong số này, người sống sót lâu nhất chỉ được 9 tháng.  Năm 1984 tại California một cuộc cấy ghép tim đầu tiên cho một bé sơ sinh, từ tim của một con khỉ, thế nhưng chỉ 21 ngày sau đó, bé Baby Fae qua đời. Tất cả những cuộc cấy ghép cơ phận thú cho người cho đến nay đều thất bại, nguyên nhân chính là cơ thể không thích ứng với vật thể bên ngoài, cho đến cuộc giải phẩu cho ông Bennett mới đây, các khoa học gia hy vọng quả tim heo này sẽ hoạt động tốt hơn, lý do là quả tim heo này không phải là tim của heo đang được nuôi trong các trang trại, mà chúng đã được sửa đổi di truyền thể trong bào thai.

Công ty Revivicor ở tiểu bang Virginia chuyên nghiên cứu sửa đổi di truyền thể đã theo đuổi công trình này từ nhiều năm nay. Con heo được lấy tim đã có đến 10 chuỗi di truyền được sửa đổi, bao gồm loại di truyền để tránh bị cơ thể con người từ chối, và di truyền giúp quả tim heo tiếp tục hoạt động sau khi được cấy ghép cho người. Mặc dù chi phí giải phẫu này rất tốn kém, ít nhất 250 ngàn mỹ kim, nhưng vấn đề quan trọng nhất là giữ cho cơ phận thú vật tiếp tục hoạt động trong cơ thể con người, và mục tiêu của các nhà nghiên cứu trong việc sửa đổi di truyền thể là sẽ giúp cơ phận thú vật, cũng tương tự như cơ phận của con người, để vấn đề chối bỏ vật thể bên ngoài sẽ không còn là vấn đề đáng quan tâm. 

Theo các chuyên gia, hiện nay kết quả thành công ban đầu trong nỗ lực ghép tim cho ông Bennett vẫn còn quá sớm để ăn mừng, thế nhưng nếu như ông Bennett tiếp tục sống, thậm chí sống khỏe mạnh trong vài năm tới, thì tiến trình cấy ghép này sẽ là một cuộc cách mạng trong ngành giải phẫu và sẽ có hàng trăm ngàn người mỗi năm được cứu sống với các cơ phận thú vật được sửa đổi di truyền thể trong bào thai và được nuôi cho đến khi khai thác. 

HTT tường trình cho đài LSTV