Menu

Tiến thoái lưỡng nan: Bảo vệ môi sinh nhưng giá năng lượng tăng cao (xem Video)

Một bản tường trình chuyên ngành về kinh doanh của CNN cho thấy khủng hoảng năng lượng trên toàn cầu đang tiến đến và chưa có phương cách giải quyết, trong khi nguy cơ giá dầu có khả năng tăng đến 100 mỹ kim một thùng và trong thời gian qua, giá khí đốt cũng tăng mạnh mẽ. Nguyên nhân của việc thế giới đang rơi vào tình trạng khó khăn về năng lượng này đến từ nhiều yếu tố, thứ nhất là do thời tiết, bắt nguồn từ tình trạng biến đổi khí hậu, thứ nhì là do mức tiêu thụ của người dân trên toàn cầu tăng đột biến sau đại dịch, và nhất là nhiều khu vực, từ Việt Nam cho đến Hoa Kỳ bắt đầu dần thoát ra khỏi cảnh phong tỏa, ở mọi nơi, ai cũng muốn trở lại đời sống bình thường. Hàng quán, công ty sản xuất, du lịch, ai ai cũng muốn mua bán thật mạnh mẽ để lấy lại nguồn lợi nhuận thất thoát sau đại dịch, việc này càng làm cho nguồn năng lượng đang cung cấp tiếp tục căng thẳng và dẫn đến giá thành phải tăng. Chính phủ khắp thế giới hiện nay đang cố gắng kiềm chế việc giá thành năng lượng đang tăng có thể gây hại đến người tiêu thụ, thế nhưng cho đến hôm nay, chưa ai có phương án giải quyết, nhất là khó lòng giảm thiểu tầm ảnh hưởng của tình trạng lạm phát đến từ giá năng lượng đang tăng.

Đây chỉ mới là vấn đề tiêu thụ của người dân mà thôi, chưa nói đến áp lực trên toàn thế giới về việc tuân thủ hiệp ước giảm thiểu thán khí trên toàn cầu, nhất là gia tăng việc tiêu thụ năng lượng sạch. Vào tháng 11 tới đây, thế giới sẽ tụ họp trong hội nghị về khí hậu toàn cầu để bảo đảm mỗi quốc gia cần thích ứng với tiêu chuẩn giảm khói thải đã từng cam kết, từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ, mỗi quốc gia đều có trách nhiệm để bảo vệ quả đất, nhưng với tình trạng phát triển sau đại dịch hiện nay, nỗ lực này đang tạo ra biến động về năng lượng toàn cầu. 

Trong thời gian qua, Trung Quốc đã phải kiềm chế tình trạng tiêu thụ năng lượng quá nhiều, nhất là than đá, khí đốt và dầu hỏa, đều là những thứ gây hậu ứng bầu khí quyền bị hâm nóng, bằng cách cúp điện luân phiên và tạo khủng hoảng cho các nhà máy sản xuất, cần đáp ứng với đơn đặt hàng, nhất là mùa giáng sinh đang đến. Ấn Độ, quốc gia đang có dân số cao thứ nhì trên thế giới chỉ sau Trung Quốc, cũng đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn về năng lượng, nhất là đã cam kết giảm thiểu nguồn năng lượng chạy bằng than đá, ô nhiễm môi sinh nhất. 

Đứng trước tình trạng này ông Kadri Simson, giám đốc về năng lượng Châu Âu cho biết, tình trạng giá cả năng lượng đang tăng, đang trở thành cuộc khủng hoảng không ai đoán trước, vì vậy, khối liên hiệp châu âu đang phải đưa ra phương án giải quyết lâu dài, nội trong tuần tới, việc đầu tiên là làm sao để giảm thiểu tầm ảnh hưởng tiêu cực lên các gia đình có lợi tức thấp. 

Tại Châu Âu hôm nay, giá khí đốt đang được mua với giá bằng 230 mỹ kim một thùng dầu, tăng 130% so với đầu tháng 9 và gấp 8 lần so với mùa hè năm ngoái, trong khi mùa lạnh đang tới và nhu cầu khí đốt mỗi ngày một tăng. Tại Châu Á, giá khí đốt cũng tăng 85% từ đầu tháng 9, tương đương với 204 đô la một thùng dầu. Hoa Kỳ đang có giá khí đốt thuộc hàng thấp nhất thế giới vì là quốc gia xuất cảng khí đốt nhưng giá năng lượng cũng đang tăng lên mức cao nhất trong vòng 13 năm qua. Đứng trước tình trạng này, câu hỏi đặt ra là liệu thế giới có khả năng để vừa cam kết ngăn chặn biến đổi khí hậu, lại vừa bảo đảm giá cả ổn định cho người dân và phát triển kinh tế hay không. Thế nhưng trước tiên, giá thành sản xuất trên toàn cầu hiện nay đã tăng và qua đó, người dân trên toàn cầu đều nhìn thấy giá cả mọi thứ đều tăng theo, nhất là ở những quốc gia lệ thuộc vào nguồn năng lượng nhập cảng từ nước ngoài vào.

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV