Tại thành phố Glasgow thuộc Tô Cách Lan hôm nay, đại diện chính phủ trên toàn cầu, cùng với chuyên gia môi trường, nhà vận động giảm ô nhiễm đã tề tựu với mục tiêu duy nhất là làm sao có sự phối hợp và hợp tác của cả thế giới để tránh quả đất ngày càng bị hâm nóng, dẫn đến tình trạng thay đổi khí hậu. Mục tiêu chính là làm sao các quốc gia cần có hành động hơn là lời nói để đương đầu với nhiệt độ quả đất ngày càng tăng, vì hiệp ước hợp tác giảm khói thải đã được ký kết từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa di chuyển được bao xa.
Tuy nhiên trong 2 năm qua, cả thế giới đã và đang trải qua trận đại dịch Covid-19 toàn cầu, càng làm cho vấn đề gặp thêm nhiều thử thách, nhất là hiện nay khối G20, bao gồm 20 quốc gia giàu mạnh nhất thế giới cần phải cam kết thêm nỗ lực để giảm khói thải nhiều hơn nữa. Đây là 20 quốc gia chịu trách nhiệm cho tình trạng ô nhiễm môi sinh nhiều nhất trên toàn cầu, chiếm đến 80% lượng thán khỉ thải ra, đến từ than đá hoặc dầu hỏa, gây nên việc thay đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt, bão tố ngày càng tăng.
Trong bài diễn văn khai mạc hội nghị, thủ tướng Anh, Boris Johnson tuyên bố, con người từ lâu tiếp tục thu ngắn thời gian của sự thay đổi khí hậu. Chỉ còn 1 phút nữa là đến nửa khuya khi đồng hồ sẽ điểm ngày tận thế, vì vậy chúng ta cần có hành động ngay.
Tình trạng thay đổi khí hậu đang khiến mực nước biển dâng lên và có nguy cơ nhận chìm nhiều đảo quốc trên toàn cầu, bà Brianna Fruena, đại diện cho dãy đảo của người Samoa ngoài khơi Thái Bình Dương cho biết, chúng tôi không những đang bị nhấn chìm, mà chúng tôi vẫn phải đang chiến đấu và than khóc để kêu gọi thế giới hỗ trợ.
Thế nhưng hội nghị thượng đỉnh về khí hậu khai mạc hôm nay đã gặp phải trở ngại khi kết quả hội nghị thượng đỉnh G20, các nhà lãnh đạo đã thất bại để cam kết giảm khói thải cho mục tiêu năm 2050, vì nếu 80% lượng khói thải chỉ do 20 cường quốc gây nên không được giảm, thì mục tiêu trên toàn cầu khó thành hiện thực, và người ta lo sợ, cuối cùng rồi cũng chỉ là những lời hứa xuông.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, TT Hoa Kỳ Joe Biden đã trực tiếp chỉ trích hai quốc gia có lượng khói thải cao là Nga và Trung Quốc, vì đã không đưa người đại diện đến họp. Nga hiện là quốc gia sản xuất dầu hỏa và khí đốt hàng đầu, trong khi Trung Quốc là quốc gia sản xuất hàng hóa hàng đầu thế giới và đều chịu trách nhiệm cho nguồn thán khí gia tăng. Nhưng chung số phận của cả thế giới, Nga và Trung Quốc bị thiệt hại vì đại dịch Covid-19 nặng nề và giờ đây khi thế giới đang dần mở cửa trở lại, nguồn tiêu thụ dầu hỏa, than đá, khí đốt và hàng hóa tăng mạnh hơn cả thời trước khi đại dịch xảy, vì thế, khó lòng Nga và Trung Quốc đáp ứng được với những cam kết để giảm khói thải, chưa kể là vấn đề đối đầu chính trị khi các quốc gia đều nghi ngờ về khả năng đáp ứng với cam kết giảm khói thải. Nước Mỹ hiện là quốc gia sản xuất dầu hỏa và khí đốt hàng đầu thế giới, và cũng là quốc gia có nguồn tiêu thụ hàng hóa cao nhất thế giới, bao gồm việc thải ra nhiều chất độc hại cho môi sinh trên toàn cầu, chưa kể là luật giảm khói thải áp dụng bất cập cho cả 50 tiểu bang của nước Mỹ, vì thế Hoa Kỳ khó lòng đạt được cam kết giảm khói thải chung chiếu theo tỉ lệ của mỗi quốc gia cần hợp tác để giảm tình trạng nhiệt độ quả đất đang tăng. Sau 2 ngày họp, các nhà lãnh đạo sẽ phải ngồi xuống để đưa ra con số cụ thể mỗi quốc gia đồng ý cắt giảm khói thải theo tỉ lệ là bao nhiêu cho đến ngày 12 tháng 11 sẽ có bản thông báo chung.
Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV