Vào ngày 20 tháng 5, chiếc tàu chở hóa chất của Singapore mang tên X-Press Pearl, đang vận chuyển 1,486 kiện hàng bao gồm 25 tấn nitric acid cùng nhiều hóa chất khác sử dụng trong kỹ nghệ mỹ phẩm cũng như công nghệ khác, đã gặp tai nạn trong lúc đang neo phía bên ngoài hải cảng Negombo của Sri Lanka.
Cuộc điều tra hiện đang tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến vụ hỏa hoạn khiến chiếc tàu bị chìm, nhất là chiếc tàu mới tinh, chỉ mới hạ thủy 4 tháng nay. Trong 2 tuần qua, kể từ khi tàu hàng bốc cháy, các toán cứu hỏa vẫn không thể dập tắt được ngọn lửa, dẫn đến hậu quả, một phần thân tàu bắt đầu bị ngập và dần chìm xuống. Điểm đáng quan tâm là chiếc tàu đang neo ở phía bên ngoài hải cảng chờ nhập hàng vì thế, tàu đang nằm trong vùng biển cạn. Vì không thể dập tắt ngọn lửa, nhóm cứu hỏa lo sợ nguy cơ tàu chìm, nên đưa tàu kéo đến để kéo ra ngoài vùng biển sâu hơn, trong trường hợp, nếu tàu chìm, ít nhất các kiện hàng hóa chất sẽ đổ xuống biển sâu, làm giảm nguy cơ đe dọa đến môi trường gần hải cảng. Thế nhưng khi chiếc tàu bắt đầu chìm xuống hôm Thứ Tư, phần đuôi tàu đã chạm vào đáy biển, vì thế tàu kéo không thể kéo tàu ra ngoài được.
Hôm nay, nhóm điều hành chiếc tàu cho biết, trên tàu có 350 tấn hóa chất, thế nhưng không có dấu hiệu rò rỉ hóa chất này, bởi vì chúng đã bị thiêu rụi trong hỏa hoạn. Tuy nhiên những người theo dõi trên bờ và hình ảnh từ lực lượng tuần duyên Sri Lanka lại cho thấy hình ảnh khác, một màng màu xanh đang bám chung quanh mạn tàu, hàng tỉ hạt nhựa đã nổi lềnh bềnh trên khắp các mặt biển chung quanh hải cảng, cũng như vùng ngư dân Sri Lanka đánh cá hàng ngày. Trước thảm cảnh này, chính phủ hôm nay ra lệnh cấm đánh cá trên vùng diện tích 80 cây số chiều dài bãi biển của Sri Lanka, mọi hình thức giải trí gần biển đều bị ngăn cấm.
Đứng trước tình trạng này, các chuyên gia về môi sinh cho biết, đây là thảm họa môi sinh tệ hại nhất do con người tạo ra cho đất nước Sri Lanka và nhiều quốc gia khác vào thời điểm này. So sánh với thảm họa thiên tai từ vụ sóng thần ập vào Sri Lanka năm 2004, vụ thảm họa này do bàn tay con người tạo ra, tệ hại không kém. Theo lời giáo sư về đại dương học, Charitha Pattiaratchi, có 3 kiện hàng rơi xuống biển, bên trong chứa rất nhiều hạt nhựa nhỏ, tương đương với 3 tỉ hạt, không ai biết làm cách nào để thu lượm trở lại những hạt nhựa nhỏ ti li này. Vẫn theo lời giáo sư đại dương học, vì hạt nhựa nổi trên mặt nước và không kịp thu lượm, chúng sẽ theo luồng nước biển trôi dạt sang các quốc gia lân cận. Trong vòng từ 40 đến 50 ngày tới, chúng sẽ dạt vào bở biển của Nam Dương. Chưa hết, khi mùa bão đến, chúng lại bị thổi ngược trở lại Sri Lanka, một số sẽ đến Ấn Độ, Maldives, Somalia.
Chưa kể là số hạt nhựa này sẽ bị cá, hay các loại hải sinh tiêu thụ, sẽ gây ra tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Chính phủ Singapore hôm nay tuyên bố, họ sẽ thực hiện cuộc điều tra riêng để tìm hiểu nguyên nhân, trong lúc chính phủ Sri Lanka đang xét đến việc thưa kiện để đòi bồi thường cho thảm họa môi sinh này.
Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV