Menu

Tân giáo hoàng từng chỉ trích chính sách của Trump

– Giáo hoàng Leo Thứ 14 mới đắc cử nhưng lúc còn là Hồng Y ở Peru đã dành nhiều năm gia tăng sự chỉ trích các chính sách của Tổng thống Trump trên phương tiện truyền thông xã hội,  đặc biệt nhắm vào lập trường cứng rắn về nhập cư của đảng Cộng hòa. Trước khi làm giáo hoàng, hồng y 

Robert Francis Prevost, đã chia sẻ hoặc đăng lại ý kiến ​​của các vị lãnh đạo nhà thờ khác bằng tài khoản của ngài là @drprevost trên mạng xã hội X. 

Bài đăng X cuối cùng của ông trước khi trở thành giáo hoàng là phần bình luận của nhà bình luận người công giáo, ông Rocco Palmo ở Philadelphia, người đã chỉ trích mối quan hệ đối tác của Trump với Tổng thống Nayib Bukele của El Salvador về việc trục xuất những người di dân bất hợp pháp vào ngày 14 tháng 4.

Bài báo đó đã phản đối những phát biểu mà phó tổng thống của Trump đưa ra trong cuộc phỏng vấn với Fox News vào ngày 29 tháng 1, cho rằng người công giáo cần lo cho gia đình mình trước rồi mới lo cho người bên ngoài. Hồng Y Prevost đã chống lại quan điểm đó cho rằng, tình yêu thương không có thứ bậc hay cấp hạng.

Ngài cũng từng tham gia tích cực vào cuộc thảo luận chính trị của Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, chia sẻ lại một bài đăng của Palmo có nội dung: “Gọi lệnh cấm người tị nạn là ‘giờ đen tối của lịch sử Hoa Kỳ’.

Tân Giáo Hoàng có đời sống tuổi nhỏ rất mộc mạc

– Khi Robert Prevost học lớp một, một người hàng xóm đã từng nói đùa với ông là một ngày nào đó ông sẽ là vị giáo hoàng đầu tiên từ Mỹ. Mãi cho đến 64 năm sau thì lời tiên đoán đó đã trở thành sự thật, Prevost, đã trở thành giáo hoàng thứ 267 — và là người đầu tiên sinh ra tại Mỹ.  Trước khi trở thành Giáo hoàng Leo XIV, Prevost là con út trong gia đình có ba anh em ở vùng ngoại ô Dolton, ở phía Nam Chicago.

Người anh trai của ông cho biết, lúc còn nhỏ, Robert luôn muốn trở thành linh mục và hầu như không nghĩ đến chuyện gì hay nghề nghiệp gì khác để làm. Ngay từ nhỏ, theo lời gia đình Prevost thích giả làm linh mục, sử dụng cái bàn để làm bàn thờ. Và trong suốt quãng đời trước khi lên làm giáo hoàng, Prevost có một đời sống rất mộc mạc bình thường. Người anh trai đã nói chuyện với Prevost vào ngày Thứ Ba trước khi diễn ra mật nghị rằng, em có thể trở thành giáo hoàng, thế nhưng Prevost gọi tiên đoán đó là “vô nghĩa” và “chỉ là nói suông”, và giáo đoàn sẽ không chọn một giáo hoàng người Mỹ”.

Anh trai giáo hoàng, ông John Prevost cho biết ông hy vọng em trai mình sẽ noi gương cố Giáo hoàng Francis để lên tiếng cho những người bị tước quyền và người nghèo.

“Tôi nghĩ họ là hai người giống nhau”, John Prevost nói. “Tôi nghĩ vì cả hai đều ở Nam Mỹ cùng một lúc — ở Peru và ở Argentina — nên họ có cùng kinh nghiệm trong việc làm việc với các phái bộ và làm việc với những người bị áp bức. Vì vậy, tôi nghĩ đó là kinh nghiệm mà cả hai đều có được”.

Tân giáo hoàng Leo thứ 14 sinh ngày 14 tháng 9 năm 1955 tại Chicago, Illinois, cha là Louis Marius Prevost, người gốc Pháp và Ý, và mẹ là Mildred Martínez, người gốc Tây Ban Nha.

Sau khi lấy bằng Cử nhân Khoa học chuyên ngành toán học tại Đại học Villanova, Pennsylvania năm 1977, Prevost quyết định trở thành linh mục và gia nhập Dòng Thánh Augustine cùng năm.