Menu

Sự hợp tác hiếm hoi giữa Hoa Kỳ và Nga về mặt không gian (xem Video)

HTT:  Dù đang đối đầu trên mặt trận thực địa ở Ukraine nhưng hôm nay cơ quan không gian Hoa Kỳ NASA và cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga đã ký một thỏa thuận được tìm kiếm từ lâu để phối hợp các chuyến bay đến Trạm Không Gianrụ quốc tế, cho phép các phi hành gia Nga bay trên tàu vũ trụ do Hoa Kỳ sản xuất để đổi lấy việc các phi hành gia Mỹ có thể đi trên phi thuyền Soyuz của Nga. Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos cho biết trong một tuyên bố: “Thỏa thuận này là vì lợi ích của Nga và Mỹ và sẽ thúc đẩy sự phát triển hợp tác trong khuôn khổ chương trình ISS, hay làm việc trên trạm không gian quốc tế. Qua bản tin này, người ta thấy, ít nhất về mặt nghiên cứu không gian, Hoa Kỳ và Nga vẫn có đồng quan điểm cho dù sau khi TT Putin mở cuộc chiến với Ukraine đã tạo ra một sự đối đầu chưa từng có giữa Nga, Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây. 

Từ lâu NASA và Roscosmos, đã làm việc chung với nhau trên trạm không gian quốc gia, vẫn luôn tìm cách đổi mới các chuyến bay có phi hành đoàn phối hợp thường lệ trong nhiều năm như một phần của liên minh dân sự lâu đời của cơ quan, hiện là một trong những mối liên kết hợp tác cuối cùng giữa Hoa Kỳ và Nga khi căng thẳng bùng phát về cái mà  Nga gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

NASA cho biết các chuyến bay phối hợp đầu tiên theo thỏa thuận mới sẽ diễn ra vào tháng 9, với phi hành gia người Mỹ Frank Rubio phóng lên trạm vũ trụ từ Sân bay vũ trụ Baikonur do Moscow thuê ở Kazakhstan cùng với hai phi hành gia, Sergey Prokopyev và Dmitry Petelin.

Đổi lại, phi hành gia Nga Anna Kikina sẽ cùng với hai phi hành gia Hoa Kỳ và một phi hành gia Nhật Bản thực hiện chuyến bay SpaceX Crew Dragon đến phòng thí nghiệm quỹ đạo, phóng từ Trung tâm Không gian Kennedy của NASA ở Florida.

Thỏa thuận đạt được cho thấy phía Nga đang nhường bước vì ngay trước khi thỏa thuận được công bố, Tổng thống Putin đã thay thế người đứng đầu Roscosmos, là ông Dmitry Rogozin có quan điểm chống Mỹ,  bằng ông Yuri Borisov, cựu phó thủ tướng và thứ trưởng quốc phòng, người được xem là có quan điểm ôn hòa hơn. Ông Rogozin từng đưa ra lập trường đối đầu với Hoa Kỳ kể từ khi Roscosmos bị trừng phạt vì vai trò của họ trong ngành công nghiệp quốc phòng của Nga sau khi Nga điều hàng chục ngàn quân vào Ukraine. Rogozin từng đe dọa rút khỏi ISS, nói rằng hợp tác với phương Tây là “bất khả thi”, đồng thời khoe khoang về tiềm năng nguyên tử của Nga và có thể sử dụng để tấn công Hoa Kỳ trong chiến tranh nguyên tử. Ông Rogozin từng phô trương về khả năng của hỏa tiễn Sarmat mới để thực hiện một cuộc tấn công nguyên tử vào Hoa Kỳ, và cho biết nó sẽ hoạt động vào mùa thu sau các vụ thử thành công vào đầu năm nay. 

Ông Rogozin có vẻ thích thú với việc chọc tức phương Tây, bao gồm cả việc trò chuyện trên Twitter với tỷ phú Elon Musk, nói công khai về khả năng hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử của Nga, đồng thời công bố tọa độ và hình ảnh vệ tinh của các địa điểm phòng thủ của phương Tây với ngụ ý rằng chúng có thể bị nhắm mục tiêu. Những tuyên bố này đã gặp nhiều chỉ trích từ phương Tây và phía TT Putin không thấy có lợi nếu tiếp tục giữ ông Rogozin trong vai trò lãnh đạo ngành không gian Nga. Không có bình luận chính thức nào về vai trò của ông Rogozin sau khi bị truất phế nhưng Điện Kremlin cho biết ông sẽ nhận được một vị trí mới.

Trong khi đó người lên nắm quyền ngành không gian Nga, Borisov, 65 tuổi, là người có nền tảng quân sự, từng tham gia vào ngành công nghiệp quốc phòng từ cuối những năm 1990. Với tư cách là phó thủ tướng, ông giám sát các vấn đề quân sự và không gian bao gồm sản xuất vũ khí và thiết bị.

Việc thay đổi nhân sự của Nga diễn ra khi NASA thông báo rằng họ đã hoàn tất thỏa thuận với Roscosmos, cơ quan vũ trụ Nga, một dấu hiệu cho thấy các nước sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau trong không gian.

Trong một tuyên bố, NASA nói rằng Trạm Vũ trụ Quốc tế “được thiết kế để phụ thuộc lẫn nhau và dựa vào sự đóng góp của mỗi cơ quan vũ trụ để hoạt động. Không một cơ quan nào có khả năng hoạt động độc lập với các cơ quan khác ”.

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV