Menu

Quân đội Miến Điện cướp chính quyền từ tay bà Suu Kyi

Đất nước Miến Điện lại rơi vào tình trạng tranh chấp chính trị nghiêm trọng sau khi quân đội tuyên bố giành quyền lãnh đạo đất nước hôm nay, sau khi không chấp nhận kết quả bầu cử mà phần thắng đã nghiêng về phe của bà Aung San Suu Chi, người tranh đấu dân chủ từng bị quản thúc tại gia suốt 20 năm trời. Bà Suu Chi cùng nhiều nhà lãnh đạo của Đảng Quốc Gia Vì Dân Chủ gọi tắt là NLD đã bị bắt hôm cuối tuần, vì lý do mà phe quân đội gọi là một cuộc bầu cử gian lận, mặc dù không đưa ra bất cứ bằng chứng nào. 

Các tướng lãnh của quân đội Miến đã trao quyền lãnh đạo cho tướng Min Aung Hlaing để áp đặt quyền thống trị tạm thời trong một năm mà phe quân đội gọi là chiếu theo hiến pháp trong trường hợp khẩn cấp quốc gia. Quân đội Miến có riêng đài truyền hình và đã trực tiếp truyền hình lệnh khẩn cấp quốc gia. 

Sau năm 2011, trước áp lực quốc tế, quân đội Miến đã đồng ý chia sẻ quyền lực với chính quyền dân sự do bà Suu Chi lãnh đạo, tuy nhiên quân đội vẫn không chịu sửa đổi hiến pháp cho phép bà Suu Chi được lên làm tổng thống và trở thành vị tổng tư lệnh quốc gia. Trong suốt thời gian qua, bà Suu Chi vẫn cương quyết muốn thay đổi hiến pháp, không cho phép quân đội Miến được tự ý vượt ra khỏi quyền lực của tổng thống. Cương lĩnh của bà Suu Chi đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ hầu như tuyệt đối của người dân, họ không muốn thấy một đất nước mà phe quân đội nắm toàn quyền. Trong cuộc bầu cử vừa qua, đảng dân chủ của bà Suu Chi đã thắng đến 83% phiếu bầu, tuy nhiên chính bà Suu Chi cũng được báo trước là khó lòng bà sẽ lên nắm chính quyền được mà phe quân đội sẽ phản phé dẫn đến tình trạng phủ nhận kết quả bầu cử. Bà Suu Chi đã lên trên mạng Facebook và kêu gọi người dân hãy xuống đường biểu tình chống lại hành động cướp chính quyền của quân đội. 

Các tướng lãnh quân đội Miến trong thời gian qua rất lo ngại quyền lực của họ bị tước đoạt nhất là thế mạnh của bà Suu Chi ngày càng tăng trong số người dân Miến, lý do là nếu họ để cho bà chiến thắng trong việc sửa đổi hiến pháp, vị thế đất nước sẽ không còn nằm trong tay quân đội, cùng nghĩa với việc quyền lợi cũng sẽ không còn nữa. Không những bà Suu Chi bị bắt mà tổng thống đương nhiệm, ông Win Myint và các nhà lãnh đạo đảng NLD cũng bị bắt từ sáng sớm, hiện nay chưa rõ họ đang bị giam ở nơi nào. 

Điều oái oăm là trong thông điệp mới nhất của quân đội Miến, vị tướng lãnh đạo Min Aung Hlaing lại hứa hẹn sẽ hồi phụ và thực thi một thể chế dân chủ đa nguyên, một cách chuyên chính, hứa hẹn sẽ thực hiện một cuộc bầu cử tự do và công bằng, cũng như sẵn lòng trao quyền lực cho phe chiến thắng, thế nhưng, ông lại không đề cập đến thời điểm nào trong tương lai, Miến điện sẽ có bầu cử trở lại. 

Lo sợ trước tình hình binh biến của đất nước hôm nay, người dân đã đổ xô ra đường rút tiền và dự trữ thực phẩm thuốc men nhằm đương đầu với thời gian bất ổn sắp tới. Ngân hàng đã phải tạm ngừng hoạt động do tình trạng hệ thống internet ngừng hoạt động hay đường tải rất yếu. Trong khi đó, người dân Miến Điện sống ở ngoài nước, cũng đã xuống đường biểu tình lên án quân đội, kêu gọi trả tự do cho bà Suu Chi và tái lập một đất nước dân chủ không chịu ảnh hưởng từ quyền lực của phe quân đội. Việc quân đội chiếm quyền lãnh đạo đã đưa Miến Điện vào thời kỳ suy thoái chính trị nghiêm trọng mà giới chuyên gia tin là có bàn tay của Trung Cộng muốn tạo ảnh hưởng, vì Bắc Kinh xưa nay vẫn ủng hộ cho phe quân đội Miến. 

Binh biến Miến Điện còn tạo thêm khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Coronavirus, đồng thời xóa bỏ hơn 10 năm trời, nỗ lực của quốc tế nhằm đưa Miến Điện trở thành đất nước thực sự tự do và dân chủ để phát triển chung với khu vực Châu Á. 

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV