Menu

Nói Dai và Bầu Dai trong chính trị Mỹ (Video)

Trong nỗ lực thông qua gói cứu trợ kinh tế thứ ba do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Coronavirus, sau khi kết quả bầu cử nghiêng phần đa số cho phe Dân Chủ tại Quốc hội, bao gồm tổng thống, đã có quan điểm của các nhà lập pháp cấp tiến như Bernie Sanders tuyên bố, họ vẫn có khả năng thông qua gói cứu trợ Covid trị giá 1 ngàn 900 tỉ mỹ kim mà không cần bất cứ phiếu bầu nào của thành viên Cộng Hòa tại thượng viện.

Tuy nhiên trên thực tế, vấn đề không đơn giản là phe nắm đa số có thể tự tung tự tác để vượt qua các dự luật họ muốn, nhất là thế đa số của phe Dân Chủ rất mỏng manh, chỉ có một phiếu quyết định duy nhất của bà PTT Kamala Harris. Chiếu theo hiến pháp Hoa Kỳ, một khi quyền lực quốc hội bị chia làm đôi, trong trường hợp hiện nay là 50 ghế của Dân Chủ và 50 ghế của Cộng Hòa, nếu TT là người theo đảng nào, thì người PTT của đảng sẽ có phiếu bầu quyến định, nếu như hai đảng không đạt được đồng thuận, để rồi, kết quả bỏ phiếu là 50 trên 50. 

Thông thường, những dự luật cần chi tiêu từ ngân sách chính phủ Hoa Kỳ, sẽ cần ⅔ phiếu trong thượng viện, tức là cần đến 67 phiếu mới được thông qua, lý do ⅔ là để tránh tình trạng Filibuster, tức là nói dai nói dẳng liên tục nhiều ngày trời để tránh không cho luật được thông qua. Thủ thuật Filibuster hay nói dai, thường được phe thiểu số, trong trường hợp này là đảng cộng hòa sẽ áp dụng để tránh không cho đảng dân chủ thông qua dự luật mà họ muốn. Vì vậy để tránh tình trạng Filibuster, quốc hội có thêm chiến lược được gọi là Reconciliation, hay Hòa Giải, mà phe đa số sẽ áp dụng để vượt qua Filibuster, vì thế để thông qua một dự luật, đảng dân chủ chỉ cần 51 phiếu là đủ.

Thế chính trị trong nền dân chủ Hoa Kỳ có thể được xem là thế khóa và mở, có nghĩa là nếu phe đa số gây khó khăn thì phe thiểu số sẽ có cách để gây khó khăn lại. Mặc dù đảng dân chủ có thể thông qua dự luật với 51 phiếu, thế nhưng phe thiểu số là Đảng Cộng Hòa lại có một chiến lược khác gọi là “Vote-a-Rama” có nghĩa là họ sẽ trình ra một loạt những điều khoản cần thiết để thượng viện phải bỏ phiếu.

Tương tự như Filibuster, thay vì phải nói dai, giờ đây thì các nhà làm luật phải bỏ phiếu liên tục, tiến trình này có thể diễn ra như vô tận, để bảo đảm không đảng nào có thể áp dụng thế đa số của họ để áp đặt quyền lực. Các bậc tiền nhân của Hoa Kỳ từ lúc đưa ra bản tuyên ngôn độc lập, sau đó thành lập Hiến pháp, họ đã biết trước là xảy ra tình trạng tranh chấp quyền lực giữa các đảng phái, vì thế, việc lập ra các nguyên tắc bỏ phiếu sẽ giúp không có đảng nào sẽ lạm dụng quyền lực của thế đa số để áp đảo phe thiểu số. Vì vậy các chiến lược này có thế khóa và mở, miễn sao, các nhà lập pháp khi muốn thông qua một dự luật, nhất là dự luật gây ảnh hưởng từ ngân sách chính phủ đến đời sống của người dân, cần phải có sự tương nhượng.

Suốt chiều dài lịch sử của Hoa Kỳ, tranh chấp quyền lực giữa đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đã diễn ra trong bầu không khí tranh chấp chính trị nghiêm trọng. Dưới thời TT Obama, đảng dân chủ với thế đa số đã thông qua luật bảo hiểm y tế vừa túi tiền, mà TT Trump sau đó tìm cách hủy bỏ mà không thành công. 

Nhưng việc lạm dụng quyền lực của thế đa số cũng có cái giá phải trả, cuộc bầu cử tiếp nối sau khi thông qua luật bảo hiểm y tế Obamacare, đảng dân chủ đã mất thế đa số, mãi cho đến cuộc bầu cử 2020 mới lấy lại được vị thế này. 

Cuộc thăm dò mới nhất cho thấy có đến 60% cử tri đảng cộng hòa đồng ý với kế hoạch kích thích kinh tế của TT Joe Biden, nhưng phe cộng hòa ở thượng viện hiện nay chỉ đồng ý với 618 tỉ mỹ kim mà thôi. Vì vậy, phe dân chủ muốn thông qua gói cứu trợ khổng lồ này, cần phải tiến tới việc thương lượng và dung hòa, mỗi bên sẽ phải nhường một bước để sớm thông qua kế hoạch kích thích kinh tế trở lại. 

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV