Menu

Những điều nghịch lý của nước Mỹ sau đại dịch (xem Video)

Nước Mỹ trong thời gian đại dịch và sau đại dịch đã xảy ra nhiều chuyện nghịch lý khiến người dân trên khắp thế giới phải chau mày suy nghĩ. Thứ nhất là việc chích ngừa. Nhờ công trình nghiên cứu và sự phát triển vượt bậc trong ngành y tế, Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên có được thuốc chủng hữu hiệu nhất, không những 1 mà có đến 4 công ty sản xuất thuốc chủng bao gồm Pfizer, Moderna, Johnson and Johnson và Novavax.  Nhờ có thuốc chủng sớm, Hoa Kỳ cũng là 1 trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới sớm quay trở lại sinh hoạt bình thường nhất. Mặc dù có nhiều thuốc chủng đến độ dư thừa, thế nhưng so sánh với các quốc gia đã chích ngừa cho người dân, Hoa Kỳ lại là quốc gia có tỉ lệ chích ngừa thấp, hiện vẫn chưa đủ 70% số người Mỹ chích ngừa toàn phần, tức đủ 2 liều, trong thời gian mà biến chủng mới Delta Variant đang hoành hành, tạo thêm mối lo ngại ảnh hưởng cho cộng đồng người đã chích ngừa đầy đủ, khiến công ty Pfizer kêu gọi chích thêm liều thứ 3, chống lại chủng Delta và có thể chủng khác nữa. 

Hiện có 5 tiểu bang mà dân số chích ngừa vẫn chưa đạt được 50%, mặc cho cơ quan y tế liên bang kêu gọi, vận động, thậm chí mua chuộc để khuyến khích người dân chích ngừa, ấy vậy vẫn không thuyết phục được nhiều triệu người Mỹ chích ngừa. Vấn đề lớn mà giới chức y tế quan tâm là người dân của 5 tiểu bang này có nguy cơ lây nhiễm loại chủng mới Delta cho cả nước Mỹ. Con số thực tế mới nhất cho thấy, hiện có hơn 20 ngàn trường hợp mới lây nhiễm chủng Delta tại Hoa Kỳ, nâng số trường hợp bị nhiễm Coronavirus tăng gấp đôi so với tháng 6 qua. Trong khi đó tại Việt Nam và các quốc gia vùng Châu Á, đại đa số người dân ai cũng muốn chích ngừa để sớm có lại đời sống bình thường, nhưng tiến trình chích ngừa hiện nay vẫn diễn ra chậm chạp, vừa không có đủ số thuốc, chính quyền phong tỏa mà không hỗ trợ tài chánh để giúp cho người nghèo hoặc các cơ sở thương mại sống sót trong lúc phải đóng cửa hơn 1 năm rưỡi qua. Không được chích ngừa và cũng không có tiền hỗ trợ để sống còn qua cơn đại dịch này. 

Nghịch lý thứ nhì là trong lúc kinh tế Hoa Kỳ đang hồi phục, chưa kể là hồi phục quá nhanh và quá mạnh khi hàng triệu người Mỹ đổ ra đường đi chơi và tiêu thụ khiến nhiều công ty, cơ sở thương mại trở tay không kịp. Số việc làm đang dư thừa lên đến 9 triệu, ấy vậy, số người lãnh trợ cấp thất nghiệp vẫn tiếp tục ở nhà không đi làm, hoặc tìm kiếm việc làm tốt hơn khiến tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao so với trước thời đại dịch. Điều này cho thấy, chính phủ liên bang đã bơm tiền quá độ vào nền kinh tế nước Mỹ trong thời gian qua với các gói tài chánh cứu nguy đất nước, khiến người Mỹ hôm nay còn giàu có hơn so với thời trước đại dịch, từ đó giúp họ có nhiều uyển chuyển hơn để tìm công ăn việc làm thích hợp. Trong cuộc thăm dò mới nhất nhắm vào những người quyết định ở nhà không đi làm, để tìm hiểu nguyên nhân, đa số cho rằng, chăm sóc con nhỏ là điều ưu tiên, thứ đến là qua thời gian đại dịch được ở nhà, hoặc ở nhà làm việc, họ thấy thoải mái hơn vì thế muốn tìm một việc làm sao cho cân bằng với gia đình và sở làm, chưa kể là lương bổng hôm nay so với năm 2019 đã cao hơn vì muốn kích thích công nhân trở lại làm việc. Qua những điểm này người ta thấy, nước Mỹ giàu có và tân tiến quá, cũng tạo ra những nghịch lý không lường trước được, nhưng đây cũng bài học cho giới chức lãnh đạo nhằm đưa ra các chính sách thích hợp hơn. 

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài Little Sài Gòn TV