Menu

Nhố nhăng tên gọi (Nguyễn Thông)

Vừa rồi ở Đà Nẵng, Sở Công Thương ra hẳn văn bản yêu cầu các cơ quan đơn vị, nhất là báo chí, khi viết tên của sở phải viết hoa đủ cả chữ công và chữ thương, là Sở Công Thương, chứ không được ỡm ờ Sở Công thương.

Xin nhớ, về nguyên tắc viết hoa được cho là chuẩn, lâu nay dùng đại trà, thì chỉ viết hoa chữ đầu và chữ thứ 2, sau đó viết thường hết. Ví dụ: Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Bộ Tài nguyên, môi trường… Về sau, có quy ước dùng dấu gạch ngang để ngăn cách từng bộ phận nên mới viết hoa những bộ phận sau dấu, ví dụ: Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội… Chỉ ngăn cách bằng dấu gạch ngang thì mới viết hoa những từ phía sau, còn đã viết liền thì cứ phải viết thường. Viết Sở Công thương là đúng chứ không sai, viết Sở Công Thương là sai chứ không đúng. Cũng như ta vẫn viết Sở Nông lâm, Trường đại học Y dược… dù nông và lâm, y và dược là 2 mảng khác nhau.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng, đã được đổi thành Ủy ban Văn hóa, Giáo dục. Ảnh trên mạng

Nhân đây, bàn luôn đến những tên gọi của tổ chức, cơ quan, đơn vị ở tầm quốc gia. Phải nói ngay rằng rất tùy tiện, nhố nhăng, không hợp lý, không khoa học. Không có một đầu mối nào chịu trách nhiệm về quy chuẩn, mặc dù trong bộ máy có đủ bộ này bộ nọ liên quan (ví dụ Bộ Nội vụ), viện nọ viện kia (ví dụ Viện Hàn lâm khoa học xã hội, Viện Ngôn ngữ), trường hành chính quốc gia… Tất cả đều dửng dưng vô trách nhiệm, thờ ơ như không liên quan gì tới mình, kệ tình trạng mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy xưng. Chỉ ngốn ngân sách là giỏi.

Một số ví dụ: Tại sao phải rườm rà Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đào tạo cũng là một dạng giáo dục, dạy dỗ, bản chất của nó là giáo dục. Giáo nghĩa là dạy, dạy dỗ, dạy bảo; giáo dục là dạy dỗ, hướng dẫn con người về tri thức, kiến thức, công việc. Đào tạo là dạy, chỉ bào, chỉ dẫn cho con người về điều gì đó. Trường y, trường bách khoa về cơ bản là tạo ra những bác sĩ, kỹ sư có tay nghề, vậy nếu chia giáo dục và đào tạo thì các trường ấy ở mảng nào. Ngay cả những trường dạy nghề do Bộ Lao động quản lý cũng chỉ là giáo dục. Thế thì tên Bộ Giáo dục là đủ, cơn cớ chi phải thêm cái đuôi đào tạo.

Lại nói Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội. Vẫn biết thời hậu chiến, thương binh là đối tượng rất đông đảo, cần đặc biệt chăm lo, nhưng không có nghĩa cứ phải tách hẳn thành một phần của bộ. Thực ra thương binh cũng chỉ là một vấn đề xã hội. Ai bảo không phải, thử cắt nghĩa coi nào. Thế thì chỉ cần Bộ Lao động và xã hội (Bộ Lao động – Xã hội) đã đầy đủ, gọn gàng.

Trong các ủy ban của Quốc hội từng có Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Giời ạ, đứa nào đặt tên cho cái ủy ban này chắc trình độ tiếng Việt lớp vỡ lòng chứ chưa được lớp 1. Cứ xét theo trật tự, cấu trúc tiếng Việt thì ủy ban ấy gồm 5 thành phần: văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Nhi đồng hoặc thiếu niên mà đứng ngang với văn hóa, giáo dục thì tôi cũng xin chắp tay lạy các ông các bà. Cái tên nhố nhăng ấy tồn tại suốt bao nhiêu năm, qua mấy nhiệm kỳ, chả thấy ai góp ý. May thay, trong quốc hội khóa 15 người ta đã sửa chữa, giờ chỉ còn Ủy ban Văn hóa – Giáo dục, chứ không lằng nhằng thiếu nhi thiếu nhiếc nữa. Nhưng đổi một cơ quan tầm quốc gia mà không công bố cho bàn dân thiên hạ biết, cứ như chuyện vặt xóm ấp không bằng.

Lại cái tên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Cũng rất vớ vẩn. Tôi xin hỏi các ông các bà, thế nhân văn không phải là khoa học xã hội à, không thuộc khoa học xã hội à? Thử định nghĩa nhân văn mà không dính dáng gì tới khoa học xã hội xem nào. Không ớ ra thì tôi đi bằng đầu. Bao nhiêu giáo sư tiến sĩ dạy ở cái trường này, cũng chỉ biết cắm đầu dạy, không vị nào dám lên tiếng về cái danh xưng vô lý ấy.

Nói tới sự rườm rà nhí nhố về tên gọi ở xứ này, đầy, nhiều lúc chán chả thèm nhắc. Nhưng không nhắc thì người ta lại bảo dân ngu, có thế mà cũng không biết, không dám nói.

Nguyễn Thông

Bình Luận từ Facebook