Lam Phương, nhạc sĩ của “Thành Phố Buồn” vừa trút hơi thở cuối cùng vào lúc 6 giờ chiều ngày Thứ Ba, 22 Tháng 12, 2020 tại thành phố Fountain Valley, thuộc miền Nam California, hưởng thọ 83 tuổi.
Người thân cho biết nhạc sĩ Lam Phương qua đời sau hai tuần nhập viện. Thời gian dài trước khi mất, ông bị liệt nửa người do biến chứng của tai biến, bệnh tim và các bệnh tuổi già.
Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20 Tháng 3 năm 1937, ở Kiên Giang. Năm 10 tuổi, ông lên Sài Gòn học nhạc, may mắn được nhạc sĩ Hoàng Lang và Lê Thương chỉ dẫn. Ông lấy bút danh Lam Phương để làm nhẹ đi hai chữ Lâm và Phùng trong họ tên, với ý nghĩa “hướng về phương trời màu xanh hy vọng.”
Ông là một trong những người tiên phong của tân nhạc miền Nam với gia tài sáng tác gồm hơn 200 tác phẩm trải rộng trong nhiều đề tài như thân phận con người, thăng trầm đổi thay của mệnh nước, ca ngợi quê hương, tình mẫu tử, tình lính và tình yêu.
Ca khúc đầu tay của ông là bài Chiều thu ấy, viết năm 15 tuổi. Thời gian đầu sáng tác, ông gặp khó khăn về tài chính khi thường xuyên phải vay tiền bạn bè để tự phát hành tác phẩm.
Năm 17 tuổi ông bắt đầu nổi tiếng với 2 sáng tác Chuyến Đò Vĩ Tuyến và sau đó là Kiếp Nghèo.
Lam Phương là một trong những tác giả có sức ảnh hưởng và được yêu mến nhất với vô số những tác phẩm nổi tiếng như Thành Phố Buồn, Duyên Kiếp, Tình Bơ Vơ, Đèn Khuya, Nắng Đẹp Miền Nam, Khúc Ca Ngày Mùa, Tình Anh Lính Chiến, Đoàn Người Lữ Thứ, Biển Tình, Lầm, Say, Bài Tango Cho Em, Mùa Thu Yêu Đương, Tình Vẫn Chưa Yên…
Dòng nhạc Lam Phương có sức lan tỏa rộng rãi tới khắp mọi tầng lớp trong xã hội, được thuộc nằm lòng và yêu chuộng qua nhiều thế hệ cho đến tận bây giờ.
Năm 1999, ở tuổi sau 62, ông bị tai biến và phải ngồi xe lăn cho đến cuối đời. Bài hát cuối cùng của ông là Hạnh Phúc Mang Theo được sáng tác vào năm 2003 lúc ông tưởng mình đã phải từ giã cõi đời.
Cuộc đời đầy thăng trầm biến động của người nhạc sĩ tài hoa nay đã khép lại. Sự ra đi của ông là một mất mát to lớn cho nền nghệ thuật Việt Nam.