HTT: Mặc dù giới phân tích quốc tế từng đưa ra quan điểm là chính phủ Nga, nhất là TT Vladimir Putin sẽ gặp thất bại lớn nếu tiến đến cuộc chiến bằng cách xâm lăng Ukraine, nhưng nguy cơ chiến tranh có thể xảy nếu Nga không lùi bước. Vào hôm Thứ Sáu tuần qua, sau cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken và ngoại trưởng Nga Lavrov, hứa hẹn có thêm các cuộc thảo luận khác, nhưng sau đó, đứng trước diễn tiến quân sự sát biên giới giữa Nga và Ukraine, cơ quan tình báo Hoa Kỳ tin rằng, quân đội Nga sẽ khơi mào chiến tranh, vì thế bộ ngoại giao Hoa Kỳ ra quyết định cho rút nhân viên tòa đại sứ từ thủ đô Kiev của Ukraine về nước. Lệnh của bộ ngoại giao Hoa Kỳ càng gây thêm mối quan tâm cho giới đầu tư, nhất là tại thị trường Hoa Kỳ trong phiên giao dịch sáng nay, khiến thị trường Dow Jones có lúc rớt xuống gần ngàn điểm. Thị trường chứng khoán của Nga và trị giá đồng Ruble của Nga cũng rớt giá nặng trước nguy cơ chiến tranh này.
Chiến tranh giữa Nga và Ukraine chưa xảy ra, nhưng nếu xảy ra thì thế giới sẽ có chuyển động mới như thế nào và hậu quả từ chiến tranh sẽ ra sao đối với Nga và Ukraine. Theo các phân tích gia, tổng thống Putin của Nga hiện ngày càng mất kiên nhẫn trước tình hình chiến sự ở Ukraine, tính từ năm 2014 là năm mà quân Nga đã tiến chiếm bán đảo Crimea một cách thành công và hy vọng Ukraine sẽ bị thuần phục.
Một mặt chiếm Crimea, một mặt Nga hỗ trợ vũ khí và vật cụ cho lực lượng kháng chiến thân Nga ở vùng Donbas với nỗ lực giúp cho quân ly khai thành công để tách rời khỏi Ukraine. Hiện nay trên 100 ngàn binh sĩ Nga đã được điều động đến sát vùng biên giới với Ukraine, chuẩn bị cho một cuộc tiến quân lật đổ chế độ dân chủ của Ukraine và dựng lên chính phủ thân Nga. Tuy nhiên chính phủ Ukraine không để yên cho lực lượng ly khai gây hấn. Trong thời gian qua, chính phủ Ukraine của TT Zelensky đã chuẩn bị tinh thần cho người dân trước hiểm họa xâm lăng của Nga, vì thế dân chúng mặc dù lo sợ trước chiến tranh, nhưng có người vẫn còn hy vọng không xảy ra, cặc dù, đại đa số người dân vẫn chuẩn bị bằng cách tích trữ lương thực và nước uống, đối đầu với chiến tranh.
Chính phủ Ukraine cũng chuẩn bị nhiều hầm trú ẩn, các bệnh xá di động, bệnh viện và trường học cho công cuộc cứu nạn nếu xảy ra các cuộc dội bom hoặc giao tranh giữa hai bên. Mặc khác, Hoa Kỳ đã tăng nguồn viện trợ, nhất là vũ khí cho Ukraine trong thời gian qua. Các quốc gia ở Châu u, thành viên của Nato cũng gửi máy bay, tàu tiến gần Ukraine để bày tỏ sự đoàn kết. Tờ New York Times loan tin là chính phủ của TT Biden dự tính gửi 5000 binh sĩ đến khu vực phía đông âu, chưa biết có tham chiến hay chỉ để hỗ trợ hậu cần cho Ukraine, nhưng là một phần trong kế hoạch ứng chiến, trong trường hợp Nga tiến quân.
Chiến tranh có thể xảy ra, vấn đề chính là đây sẽ là một chiến ngắn hay lâu dài, nhưng nếu tiến quân, Nga sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn là có lợi về lâu dài. Thứ Nhất, Ukraine không thể để cho đất nước thành thuộc địa, và sẽ đưa cuộc chiến xâm lăng thành cuộc chiến giành độc lập và chủ quyền cho đất nước, hứa hẹn một cuộc chiến tranh lâu dài với sự yểm trợ của Hoa Kỳ và khối NATO. Nga sẽ chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế, khi lệnh cấm vận và trừng phạt kinh tế của phương Tây nhắm vào các sở hữu chủ của Nga trên toàn thế giới. Tài khoản, trương mục bị đóng băng, chưa kể là Nga mất đi các quan hệ làm ăn với nước ngoài.
Thiệt hại về nhân mạng tăng cao trong chiến tranh, nhất là cuộc chiến kéo dài, tương tự như Nga đã từng nếm thất bại ở Afghanistan, sẽ là cái gai cho TT Putin trong tương lai, nhất là uy tín của ông đối với người Nga, vì thế Nga muốn chiến tranh chớp nhoáng, như để dằn mặt nhằm tạo áp lực buộc Nato và Hoa Kỳ đáp ứng với những đòi hỏi từng đưa ra. Hoặc cuối cùng, Nga chỉ hù dọa và đồng ý tiếp tục đàm phán với Hoa Kỳ và phương Tây.
Mặc dù trong cuộc thảo luận hôm Thứ Sáu vừa qua, ngoại trưởng Nga Lavrov tuyên bố là lá bài kế tiếp đang nằm trong tay Hoa Kỳ, ngụ ý, chiến tranh hay không là do quyết định của Hoa Kỳ mà ra, thế nhưng cho đến nay, chính phủ của TT Biden vẫn giữa nguyên quan điểm là Nga không thể gây chiến tranh với Ukraine nếu muốn đàm phán với Nato, và những đòi hỏi hiện nay của Nga là không thể chấp nhận được. Lá bài thực sự là nằm trong tay của Nga, và bước kế tiếp của Putin sẽ định đoạt cho cục diện hiện nay cũng như tương lai của Ukraine.
Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV