Menu

Nga gặp thất bại lớn nếu xâm lăng Ukraine (xem Video)

HTT: Vào lúc ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken đang thảo luận với đại diện của Nga trước tình hình căng thẳng tại vùng biên giới Ukraine, nhiều người đang quan tâm, nếu những đòi hỏi của Nga không được đáp ứng, chiến tranh có thể xảy ra hay không ?  Hiện nay, Nga muốn khối NATO, tổ chức liên minh bắc đại tây dương, ngừng thu nhận Ukraine làm thành viên, thứ hai, ngoài Ukraine, NATO cũng không thu nhận thêm thành viên từ các quốc gia trong khối Sô Viết cũ. Tuy nhiên hiến pháp NATO từng nêu rõ, không thể từ chối quyền thành viên từ những quốc gia muốn sát nhập, vì thế trên nguyên tắc, những yêu sách của Nga đưa ra không thể đáp ứng được. Câu hỏi đặt ra là liệu Nga có sẵn sàng để xâm lăng Ukraine hay không ? Nếu xâm lăng, chuyện gì sẽ xảy ra ? và phản ứng của Hoa Kỳ cũng như Châu  u sẽ như thế nào ?

Trên tờ Atlantic, trong mục về tình hình quốc tế, các chuyên gia đưa ra nhận định về tình hình hiện nay cho thấy, nỗ lực của Nga trước tiên đang có những phản ứng ngược vì tạo thêm sự đoàn kết của người dân Ukraine, thứ hai, củng cố thêm hoạt động của khối NATO.

Theo nhận định từ các phân tích gia được tờ Atlantic đăng tải, mặc dù lên tiếng hăm dọa, rồi đưa đến 175 ngàn binh sĩ tiến sát biên giới với Ukraine, một số chuyển vào nước Belarus, hiện được xem là nước chư hầu của Nga, đây chỉ là hành động mang tính hù dọa nhiều hơn. Một bản phân tích từ viện nghiên cứu American Enterprise của Hoa Kỳ cho thấy, Nga không có kế hoạch để xâm lăng Ukraine, lý do là thiệt hại về chính sách và kinh tế sẽ lên rất cao cho phía Nga nếu Nga quyết định tấn công Ukraine. Nga sẽ không chịu nổi sức ép về kinh tế, và uy tín của Putin cũng bị thiệt hại nếu các nỗ lực này bất thành. Thay vào đó, chủ trương của Nga hiện nay, thay vì xâm lăng Ukraine, Nga chỉ muốn tìm cách gây bất ổn cho Ukraine, nhất là tiến vào mùa bầu cử, tìm cách gây bất hòa trong khối NATO, đồng thời buộc phương Tây, bao gồm Hoa Kỳ và Châu âu phải chịu lùi bước trước các đòi hỏi của Nga.

Tuy nhiên dù không xâm lăng Ukraine, nhưng việc chuyển quân của Nga cũng đang tạo ra mối đe dọa nhắm vào các thành viên NATO và đồng minh Hoa Kỳ, điển hình Ba Lan, cùng các quốc gia trong khối liên ban sô viết cũ, nhưng nay lại muốn hợp tác và tham gia vào khối NATO. Chủ trương của Nga là không muốn NATO bành trước xa hơn nữa, và gây thêm áp lực về quân sự lúc này cũng nhằm mục tiêu đe dọa đến các nước nhỏ, là chớ nên gia nhập vào khối NATO.

Theo các phân tích gia, Hoa Kỳ hiện đang có nhiều lợi điểm hơn Nga bao gồm, thời giờ, đồng minh, sự minh bạch và thẩm quyền. Ngay khi có những chuyển biến về quân sự trước đây từ Nga, Hoa Kỳ và đồng minh trong khối NATO đã cùng hợp tác và đã thực hiện những bước cần thiết, nhằm đáp ứng với hành động của Nga.

Từ khi Nga tiến chiếm bán đảo Crimea năm 2014 đến nay, các thành viên của NATO đã tăng thêm ngân sách quốc phòng, tạo dựng một khung hợp tác chung về các hành động trừng phạt Nga bao gồm cấm vận kinh tế. Nếu Nga bị các lệnh trừng phạt kinh tế này áp dụng, nền kinh tế của Nga sẽ rơi vào suy thoái trầm trọng và uy tín của TT Putin cũng rớt theo.

Ngoài ra Nga xâm lăng Ukraine, không đơn giản là Ukraine sẽ không chống trả và không nhận được sự yểm trợ từ NATO và Hoa Kỳ. Nếu chiến tranh kéo dài, cộng với lệnh cấm vận, Nga khó lòng kéo dài cuộc chiến vào lúc người dân Nga gặp khó khăn về nhiều mặt. Phía Hoa Kỳ và Châu  u không muốn chiến tranh, nhưng cũng không muốn đáp ứng với những đòi hỏi quá đáng của Nga, nhưng hy vọng các cuộc đàm phán sẽ giúp tạo ra một điểm đồng thuận chung, giải quyết xung đột trên sự thông hiểu lẫn nhau.

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV