Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 15/8 kết án nhà hoạt động kiêm Youtuber Nguyễn Chí Tuyến với mức án 5 năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự vì bình luận về chống tham nhũng.
(theo RFA) Ông Nguyễn Chí Tuyến, hay còn được gọi là Anh Chí, là thành viên tích cực của phong trào No-U (nói không với đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông) sở hữu hai kênh Youtube chuyên bình luận về chính trị – xã hội ở Việt Nam và thế giới với hàng trăm bài nói chuyện được phát trực tiếp về nhiều chủ đề và số lượng người theo dõi tổng cộng lên đến 160 ngàn người.
Ông bị bắt vào cuối tháng 2 vừa qua với cáo buộc theo điểm b và c của khoản 1, Điều 117 Bộ luật Hình sự quy định hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân” và “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.”
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội, ông bị truy tố về hai video clip mang tên “Vụ áp phe 155 triệu bảng Anh và chuyển đổi tên” và “Chống tham nhũng: làm sao để cán bộ không thể, không dám, không cần, không muốn?” phát trên trang Youtube cá nhân Anh Chí Râu Đen năm 2021.
Trong video thứ nhất, ông đưa ra ý kiến Chủ tịch hãng hàng không VietJet tặng 155 triệu bảng cho Oxford University của Anh nhằm tạo điều kiện cho con cháu của quan chức Việt Nam sang học tập tại đây. Còn trong video thứ hai, ông cho rằng đa đảng sẽ giúp ngăn chặn được tham nhũng vốn đang là quốc nạn của Việt Nam.
Trong phiên toà kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ ngày thứ Năm, chỉ có ba luật sư Lê Đình Việt, Nguyễn Hà Luân và Phạm Lệ Quyên cùng vợ của ông Nguyễn Chí Tuyến được vào phòng xử án. Bạn bè và người thân khác chỉ được đứng ngoài cổng của trụ sở chính toà án thành phố trong phiên toà được thông báo là công khai.
Luật sư cho biết thân chủ của ông không nhận tội, luôn khẳng định chỉ thực thi quyền tự do biểu đạt được ghi trong Hiến pháp Việt Nam cũng như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) mà Việt Nam là quốc gia thành viên và “chấp nhận hy sinh để bảo vệ quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp và luật nhân quyền quốc tế.”