Menu

Khoa học gia nguyên tử Iran bị ám sát

Tường trình đặc biệt Hoàng Trọng Thụy: Vùng Trung Đông hôm nay lại một lần nữa lên tiếng báo động về nguy cơ bùng nổ xung đột sau khi khoa học gia và nhà lãnh đạo chương trình phát triển nguyên tử của Iran, giáo sư Mohsen Fakhrizadeh vừa bị ám sát. Theo lời nhân chứng và cuộc điều tra sơ khởi của Iran, ông Fakhrizadeh, trong lúc di chuyển trên xe hơi trong phạm vi thủ đô Tehran thì bị hai chiếc xe tấn công. Một chiếc chạy phía trước cho nổ bom, khiến chiếc xe của ông Mohsen phải dừng lại, sau đó, chiếc xe thứ nhì áp sát và nổ hàng loạt đạn nhắm vào ông Mohsen đang ngồi bên trong, sau đó bọn chúng tẩu thoát. Xe cứu thương đưa ông Mohsen vào bệnh viện nhưng không thể hồi sức và ông đã được tuyên bố tắt thở. Vụ ám sát nhân vật hàng đầu chương trình nguyên tử của Iran vào ngày thứ sáu giữa đường phố ban ngày đã tạo ra làn sóng phẫn nộ trong số người dân và chính quyền Iran. Ngay lập tức giới lãnh đạo lực lượng vệ binh quốc gia của Iran tuyên bố sẽ trả thù cho cái chết của ông Mohsen, họ không ngần ngại chỉ tay vào Do Thái là tác giả của vụ ám sát này. Điểm đáng chú ý là vụ ám sát ông Mohsen diễn ra chỉ vài ngày nữa là Iran tổ chức lễ tưởng niệm 10 năm cái chết nhà khoa học nguyên tử khác của Iran là ông Majid Shahriari, mà Iran cũng từng cho là phía Do Thái chủ mưu. 

Do ảnh hưởng của tình trạng giới hạn đi lại vì Covid-19 ở Iran, nơi xảy ra vụ ám sát, người ta thấy đường phố trong thủ đô vắng vẻ hôm mọi ngày, dù hôm nay là ngày Thứ Sáu, càng tạo cơ hội dễ dàng cho nhóm ám sát ra tay mà thực sự khó lòng biết chắc được chính phủ nào đứng đằng sau vụ ám sát này. 

 

Trước ngày bầu cử Hoa Kỳ, vấn đề về Iran cũng từng là một trong đề tại đối ngoại gây tranh cãi, vì chính quyền TT Trump đã rút ra khỏi hiệp ước nguyên tử mà Hoa Kỳ từng ký với Iran dưới thời TT Obama. Theo hiệp ước này, Iran đồng ý ngừng chương trình phát triển nguyên tử, đổi lại Hoa Kỳ sẽ tháo khoán hàng trăm tỉ mỹ kim mà Hoa Kỳ từng đóng băng vì chương trình cấm vấn Iran. Do Thái và Ả Rập là hai thành phần chống đối hiệp ước nguyên tử do TT Obama chủ xướng, cho rằng, chỉ tạo thêm cơ  hội cho Iran có thêm tiền để tiếp tục chương trình nguyên tử, và rằng, Iran sẽ không bao giờ từ bỏ tham vọng thủ đắc nguyên tử của họ. Sau khi TT Trump vào tòa bạch ốc, chính phủ Do Thái đã thuyết phục ông hủy bỏ chương trình này và kết quả, hiệp ước đã bị sắc lệnh hành pháp của TT Trump ban hành để ngừng hợp tác và tiếp tục lệnh cấm vận nhắm vào Iran. 

Phía Iran đã lên án chính phủ TT Trump và tuyên bố sẽ tái tục chương trình phát triển nguyên tử, kết quả là trong những báo cáo về an  ninh mới đây từ chính phủ Hoa Kỳ và Do Thái cho thấy, Iran đang gia tăng chương trình phát triển nguyên tử và ngày càng tiến gần hơn đến việc chế tạo thành công bom nguyên tử. Đứng trước tình hình này, mặc dù sau khi bầu cử gặp thất bại, nhưng TT Trump đã từng xét tới việc tấn công vào các khu vực chế tạo nguyên tử của Iran, nhưng bị các cố vấn an ninh khuyên là không nên làm vì lo sợ sẽ làm bùng nổ chiến tranh ở vùng Vịnh, mà Iran từng tuyên bố sẽ thực hiện các việc tấn công vào Do Thái và các quốc gia Ả Rập. 

Vụ ám sát mới nhất nhắm vào nhà lãnh đạo chương trình nguyên tử của Iran chắc chắn sẽ tạo ra thêm căng thẳng cho vùng TRung Đông, nhất là chỉ cách đây gần 1 năm, Hoa Kỳ và Do Thái đã phối hợp để thực hiện thành công việc ám sát tướng chỉ huy của Iran Solemani trong lúc ông đến thủ đô Baghdad của Iraq. Theo các chuyên gia, vụ ám sát nhà khoa học nguyên tử Mohsen diễn ra vào thời điểm Hoa Kỳ đang trong giai đoạn chuyển giao quyền lực giữ TT Trump và TT Đắc cử Joe Biden, và sẽ tạo khó khăn cho chính phủ của ông Biden tìm cách quay trở lại chương trình đàm phán về nguyên tử với Iran. Chưa kể là nhiều khả năng Iran sẽ tìm cách trả đũa và gây hại đến quyền lợi Hoa Kỳ ở vùng Trung Đông và khối Ả Rập, nhất là con đường vận chuyển dầu qua eo biển Hormuz mà Iran đang kiểm soát phân nửa.