Theo tác giả bài nhận định được BBC loan tải hôm nay, ông Rana Mitter hiện đang giảng dạy môn lịch sử Trung Quốc chuyên ngành tại trường đại học Oxford Anh Quốc thì dựa vào quá khứ, có thể giúp phần nào cho thế giới hiểu được nhân sinh quan của Tập Cận Bình về thế giới ngày nay, từ đó dẫn đến những quyết định để tìm con đường phát triển cho Trung Quốc trong tương lai. Trung Quốc hôm nay đã trở thành một cường quốc trên thế giới và nhiều khả năng sẽ vượt qua mặt Hoa Kỳ về kinh tế, thế nhưng Trung Quốc vẫn cần phải cân bằng giữa thế đối đầu và hợp tác để tiếp tục giữ vững thế mạnh của Trung Quốc trong tương lai. Theo quan điểm của giáo sư Rana Mitter, thì có 5 yếu tố trong lịch sử Trung Quốc đã tạo ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Tập Cận Bình hôm nay, thứ nhất, con đường Khổng Tử. Trong 2000 năm học thuyết Khổng Tử đã tạo ảnh hưởng trên hầu hết lãnh vực của Trung Quốc, từ con người đến tài lãnh đạo, mặc dù từng bị Mao Trạch Đông đả phá nhưng vào thập niên 1980 trở đi, tức từ thời Đặng Tiểu Bình và đến ngày nay, học thuyết Khổng Tử tiếp tục được áp dụng, và xem sự hài hòa là một giá trị xã hội cần có. Tập Cận Bình từng rêu rao về tư tưởng cộng đồng thế giới cùng chung một định mệnh cho thấy ông tiếp tục bị ảnh hưởng từ con đường Khổng Tử như thế nào.
Thứ hai, lịch sử đầy đau thương của Trung Quốc trong thế kỷ thứ 19 và 20 tiếp tục uốn nắn sự suy nghĩ của Trung Quốc về thế giới. Từ chiến tranh Á Phiện của giữa thế kỷ 19 khi lực lượng quân sự phương Tây đã tạo áp lực để buộc Trung Quốc phải mở cửa với thế giới bên ngoài như thế nào, đến nay, người Trung Quốc và Tập Cận Bình vẫn xem đây là thời gian được gọi là “thế kỷ của sự nhục nhã”, cho thấy Trung Quốc yếu thế như thế nào trước gọng kềm của Châu Âu và Nhật Bản. Ngày nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục hoài nghi về mục tiêu của thế giới bên ngoài, và khiến phản ứng của Trung Quốc luôn đặt trong trạng thái đối phó và Tập Cận Bình dứt khoát không muốn lập lại lịch sử mà Trung Quốc bị chèn ép.
Thứ ba, Trung Quốc đã từng bị bỏ rơi. Nhắc đến thế chiến thứ hai, khi bị Nhật Bản xâm lăng, Trung Quốc đã phải tự chiến đấu mà không có sự hỗ trợ nào cho đến khi Hoa Kỳ bị tấn công trong vụ Trân Châu Cảng năm 1941, cho đến khi hai quả bom rơi xuống Nhật chấm dứt thế chiến, 10 triệu người Trung Quốc đã bị giết, trong nỗ lực ngăn chặn sự thống trị của chỉ 500 ngàn lính Nhật. Nhưng nhờ vậy, Trung Quốc ngày nay xem sự hợp tác với Anh, Mỹ, Nga để nhằm mục tiêu chống lại bất cứ sự xâm lược độc tài theo kiểu phát xít.
Thứ Tư, Tập Cận Bình bị ảnh hưởng nặng từ chủ nghĩa Mác Lê, nhưng đang bị mâu thuẫn vì hướng đi của đất nước ngày nay. Điển hình là dưới thời Mao Trạch Đông, hàng triệu địa chủ và người giàu bị tàn sát để lấy đất cho dân, nhưng ngày nay dù trên khẩu hiệu tuyên truyền tiếp tục ca ngợi xã hội chủ nghĩa và chống lại tư bản chủ nghĩa, thế nhưng Trung Quốc lại có rất nhiều triệu phú và tỉ phú, và thành phần không thể loại bỏ được như thời Mao, vì thế cái khó của Tập Cận Bình làm sao quân bình được giữa hai thuyết xã hội và tư bản này.
Cuối cùng là vấn đề Đài Loan, tiếp tục trở thành cái gai rất lớn mà bằng mọi giá Tập Cận Bình vẫn muốn thống nhất. Nhưng bài học từ quá khứ cho thấy dù Trung Quốc và Hoa Kỳ sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1979 đến nay, nhưng hai bên vẫn không đồng ý để Trung Quốc tuyên bố chủ quyền Đài Loan. Hơn 40 năm đã qua thế nhưng đến giờ mặc dù Tập Cận Bình tuyên bố sẽ sớm thống nhất với Đài Loan nhưng người ta thấy ngày càng Đài Loan bị đẩy xa hơn với Đại Lục.
Để kết luận, cả 5 điểm được trình bày này cho thấy, những quyết định trong tương lai của Tập Cận Bình đều dựa vào những bài học trong quá khứ đau thương của Trung Quốc, và sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng cho hướng đi của Trung Quốc trong tương lai, một khi Tập Cận Bình còn nắm quyền.
Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV