SAN FRANCISCO (LSTV) – “Những điểm mấu chốt của Quy trình Tái phân chia khu vực của California – Cách vẽ bản đồ bầu cử mới tác động đến các cộng đồng đa dạng như thế nào” là nội dung chính của buổi hội thảo trực tuyến do Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (gọi tắt là EMS) tổ chức hôm Thứ Hai, 11 Tháng 10.
Khi California ngày càng phát triển đa dạng hơn, tiểu bang sẽ vẽ lại ranh giới bầu cử như thế nào để bắt kịp với dữ liệu Điều tra dân số năm 2020 về sự thay đổi nhân khẩu học, bảo đảm rằng mọi người dân California đều có quyền đại diện bình đẳng tại tất cả các nhánh của chính phủ.
Buổi hội thảo có sự trình bày của ông Paul Mitchell, chủ nhân cơ quan Redistricting Partners, một nhà chuyên môn cấp quốc gia về nhân khẩu học; bà Sara Sadhwani, ủy viên Ủy Ban Tái Phân Chia Khu Dân Cư California; và bà Linda Akutagawa, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành công ty LEAP (Leadership, Education for Asian Pacific – Lãnh Đạo, Giáo Dục Người Gốc Châu Á-Thái Bình Dương).
Các thuyết trình viên đã trình bày cách thức hoạt động của quá trình tái phân chia khu, ai là người vạch ra ranh giới không chỉ cho các khu vực bầu cử của tiểu bang và liên bang mà còn cho hàng trăm quận thành phố, và tại sao ý kiến của công chúng về cộng đồng và các vấn đề quan trọng đối với họ lại rất quan trọng.
Ông Paul Mitchell cho biết Ủy Ban Tái Phân Chia Khu Dân Cư California đang nỗ lực làm việc theo chỉ dẫn của chính phủ liên bang.
Ở cấp địa phương, theo nhận xét của ông Mitchell, FAIR MAPS và California Voting Rights Act nâng cao quyền lực của chính quyền địa phương, khuyến khích việc kêu gọi sự tham gia của các cộng đồng nhằm ngăn chặn sự gian lận bầu cử.
Về các sắc tộc thiểu số tại Orange County, bà Linda Akutagawa cho biết người gốc Việt và người gốc Latino là thành phần đáng để. Tuy nhiên, các nhóm dân khác như người gốc Nam Hàn, Nhật, Trung Quốc… vẫn là những sắc dân cần phải lưu ý khi phân chia khu vực.
EMS phục vụ cộng đồng qua phương tiện truyền thông trong 40 năm qua, với đối tượng là dòng người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới.
Mục đích của EMS là thúc đẩy giao tiếp giữa các sắc tộc thông qua các dự án biên tập hợp tác và tiếp thị xã hội, đồng thời mở rộng con đường sự nghiệp cho các phóng viên truyền thông dân tộc thông qua báo cáo học bổng và đào tạo chuyên nghiệp, bảo đảm phân phối công bằng tiền quảng cáo cho vai trò của truyền thông dân tộc trong việc thu hút và thông báo cho khán giả về các vấn đề quan trọng.