Menu

Hoa Kỳ bồi thường di dân bị ly tán cả tỉ mỹ kim (xem Video)

Nước Mỹ là quốc gia thượng tôn luật pháp nhất trên thế giới, cũng vì thế mà cũng là quốc gia có nhiều vụ kiện nhất trên thế giới. Từ những vụ kiện dân sự cho đến những vụ kiện nhắm vào chính phủ, hoặc chính phủ kiện tiểu bang, rồi tiểu bang kiện chính phủ. Dưới thời TT Trump, với sắc lệnh ngăn chặn di dân bất hợp pháp, nhân viên công lực đường biên giới đã ly tán các gia đình, đưa trẻ em vị thành niên giam một nơi, trong khi bố mẹ bị trục xuất về nước. Cho đến khi tòa bạch ốc thay ngôi đổi chủ, TT Joe Biden đã lật ngược hầu hết các sắc lệnh này, bao gồm việc cởi mở hơn cho di dân vào Mỹ. Trong thời gian hàng ngàn gia đình di dân bị ly tán, tổ chức bảo vệ dân quyền gọi tắt là ACLU đã đệ đơn kiện lên chính phủ của TT Trump để yêu cầu cho phép các gia đình này được đoàn tụ, chưa kể là đòi chính phủ phải bồi thường tài chánh cho những trường hợp ly tán gây ảnh hưởng tâm lý cho trẻ em và kể cả những phụ huynh bị thất lạc con cái.

Đơn kiện từ thời TT Trump kéo dài và tiếp tục hiệu lực sang đến thời TT Biden và tin tức mới cho thấy, hiện nay chính quyền của TT Biden đang thương lượng với tổ chức ACLU về đơn kiện này và có khả năng giải quyết ngoài tòa với số tiền bồi thường lên đến hơn 1 tỉ mỹ kim cho khoảng 5,500 trẻ em bị ly tán ở đường biên giới dưới thời TT Trump. Nếu chia đều ra cho mỗi gia đình số tiền có thể lên đến gần 1 triệu mỹ kim cho mỗi gia đình. Hiện có khoảng 940 gia đình đã đứng tên trong hồ sơ vụ kiện nay, và nếu tổ chức ACLU đạt được thỏa thuận với chính phủ, họ sẽ yêu cầu những gia đình tham gia vào vụ kiện để được bồi thường, với tổng số tiền mà chính quyền Hoa Kỳ phải bồi thường lên đến 1 tỉ mỹ kim hoặc hơn.

Theo hồ sơ vụ kiện, vào năm 2018, dưới thời của TT Trump, hàng ngàn trẻ em, từ trẻ sơ sinh cho đến vị thành niên đã bị ly tán vào thời điểm họ đã thành công đã đặt chân vào được đất Mỹ. Mặc dù bất hợp pháp, nhưng thay vì trục xuất toàn bộ các gia đình này về lại bên kia bên giới của Mexico, thì các nhân viên thực thi luật di trú và bảo vệ biên giới lại quyết định, cho phép trẻ em vào nhưng lại không cho phép người lớn. Lý do là vì họ không biết có thực những người lớn này là phụ huynh của các em hay chỉ là kẻ buôn người, giả dạng làm cha mẹ để qua biên giới. Vì cách ly toàn bộ các gia đình này, theo đơn kiện, chính phủ Hoa Kỳ không thành lập các hồ sơ để tìm cách đoàn tụ họ trở lại, vì thế nhiều em bị mất bố mẹ, chưa kể là nhiều trường hợp, các em bị đối xử tệ hại, từ chuyện lạnh đến đói và thiếu sự chăm sóc y tế. Các đơn kiện này đều tập trung vào vấn đề ảnh hưởng tâm lý tiêu cực lên trẻ em, khi các em phải sống thiếu sự chăm sóc của bố mẹ, trong điều kiện tệ hại như trong tù. Nhiều em bị bệnh trầm cảm, lo âu thái quá hoặc ác mộng thường xuyên. Đơn kiện cho rằng, những trường hợp này chiếu theo luật pháp, mỗi gia đình phải được bồi thường lên đến 3,4 triệu mỹ kim.

Tuy nhiên ở Mỹ, mỗi khi có những vụ kiện lớn xảy ra, thường thì bị đơn sẽ dựa trên khả năng có thắng kiện hay không, vì nếu thua, nhiều khả năng họ phải bồi thường nhiều tiền hơn so với việc thương lượng. Vì để vụ kiện kéo dài, tiền luật sư phí và tiền bồi thường khi đến hồi kết thúc sẽ cao gấp nhiều lần so với việc thương lượng. Chính phủ Hoa Kỳ hiện nay xét thấy đơn kiện này có nhiều khả năng thắng trên tòa trên, vì vậy sẵn sàng thương lượng. Ngoài ra, vấn đề cũng bị chính trị hóa, khi các thành viên Đảng Cộng Hòa cho việc bồi thường di dân bất hợp pháp này là vô lý và thưởng tiền mặt càng làm cho tình trạng di dân bất hợp pháp vào Mỹ tệ hại hơn trong tương lai.

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV