Hoa Kỳ đã trải qua nhiều cuộc chiến và lực lượng không quân đã sử dụng hóa chất AFFF trong hầu hết các cuộc chiến này và trở thành một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường độc hại nhất trên thế giới. Tại các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Mỹ, hóa chất AFFF được các nhóm cứu hỏa sử dụng thường xuyên trong các cuộc huấn luyện và họ bị ô nhiễm mà không hề hay biết vì được thông báo là chúng an toàn để sử dụng. Chất AFFF cũng tương tự như hợp chất PFAS hiện trở thành hiểm họa môi trường khi chúng xâm nhập vào nguồn nước và người tiêu thụ đang bị lây nhiễm hầu như hàng ngày, hậu quả là các bệnh như ung thư, chậm phát triển não bộ nơi trẻ em, ngăn chặn sức đề kháng trong cơ thể, kể cả tác hại đến khả năng tạo giống nơi đàn ông.
Vì chất AFFF được sử dụng rộng rãi trong các căn cứ quân sự Hoa Kỳ trong và ngoài nước, vì thế các cộng đồng cư dân sống chung quanh các căn cứ quân sự này đều bị ảnh hưởng từ hóa chất độc hại không tan trong không khí. Chúng thấm vào nguồn đất, nguồn nước và thấm vào máu của những ai thường xuyên hít thở hay hấp thụ chất độ này.
Trong cuộc nghiên cứu năm 2016, quân đội Hoa Kỳ xác định 393 vùng bị ảnh hưởng từ hóa chất AFFF, bao gồm 126 khu vực có hóa chất PFAS thẩm nhập vào nguồn nước uống cho công chúng. Năm 2019, bộ quốc phòng tiếp tục cuộc thanh tra và khẳng định rằng, số nơi bị nhiễm hóa chất độc hại này trên thực tế cao hơn nhiều so với báo cáo năm 2016. Điều đáng quan tâm là dù có cuộc điều tra và kết quả cho thấy tác hại của hóa chất AFFF đến con người như thế nào, nhưng hiện nay quân đội Hoa Kỳ vẫn còn cất giữ một trữ lượng khổng lồ hóa chất AFFF. Vì không thể đổ chúng ra ngoài môi trường như rác hữu cơ được cho nên bộ quốc phòng đã lên kế hoạch để tiêu hủy chúng bằng cách đốt thành tro. Tuy nhiên trên thực tế, chất AFFF vô cùng dính, vì thế việc sử dụng lửa để thiêu hủy, chúng vẫn hiện hữu trong môi trường. Vì không còn phương cách tiêu hủy nào khác, cho đến nay, bộ quốc phòng vẫn âm thầm cho đốt hóa chất AFFF, nhưng ngược lại đã tạo nên tác hại lớn lên binh sĩ Hoa Kỳ, tạo nên tình trạng ung thư và các dị tật khác. Ngay cả TT Joe Biden cũng đặt nghi vấn liệu rằng, hóa chất độc hại này đã gây nên bệnh ung thư dẫn đến tử vong cho con trai lớn của ông, trong thời gian phục vụ quân đội hay không. Cho đến nay, bộ quốc phòng Hoa Kỳ vẫn không có phương cách hay kế hoạch nào khác để thiêu hủy hóa chất AFFF từ vật liệu tồn đọng, vì thế chúng tiếp tục gây hại đến môi sinh, nhất là các cộng đồng sống chung quanh các căn cứ quân sự trong và ngoài nước.
Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV