Menu

Giải thưởng Nhân Quyền 2020 được công bố

Sáng Thứ Bảy, 21 Tháng 11, lễ trao giải nhân quyền lần thứ 19 của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã được tổ chức tại Little Saigon và được phát trực tiếp qua Facebook và YouTube .

Giải Nhân Quyền Việt Nam 2020 được trao cho hai cá nhân và một tổ chức, gồm tù nhân lương tâm Nguyễn Năng Tĩnh, tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa và Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam.

Thầy giáo, facebooker Nguyễn Năng Tĩnh là giảng viên âm nhạc, bị công an Nghệ An bắt giữ hồi cuối Tháng 5, 2019 vì đã dạy cho học sinh bài hát của nhạc sĩ Việt Khang, đồng thời đã đưa lên trang Facebook cá nhân tin tức và hình ảnh về khủng hoảng môi trường Formosa ở Hà Tĩnh năm 2016.

Tòa án tỉnh Nghệ An tuyên 11 năm tù giam, 5 năm quản chế đối với thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh theo Điều 117, Điều 44, và Điều 112 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.

Người thứ hai nhận giải Nhân Quyền Việt Nam 2020 là facebooker, phóng viên RFA Nguyễn Văn Hóa. Ông Nguyễn Văn Hóa quê ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, là người đã dùng những phương tiện thông tin hiện đại đưa các tin tức về thảm họa Formosa, cũng là người đầu tiên sử dụng flycam để thu lại hình ảnh hơn chục ngàn người biểu tình trước cổng công ty Formosa vào Tháng Mười, 2016 để cung cấp các video về những vụ biểu tình của người dân miền Trung để phản đối công ty Formosa trước truyền thông quốc tế và công chúng.

Ông bị công an CSVN bắt ngày 11 Tháng Giêng, 2017 trong khi đang ghi lại cuộc biểu tình của người dân trước tòa án huyện Kỳ Anh. Tòa án Hà Tĩnh đã kết án ông Hóa 7 năm tù giam và 3 năm quản chế với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước…”

Tổ chức được trao giải Nhân Quyền 2020 là Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam mà Chủ tịch là nhà báo Phạm Chí Dũng đã bị bắt đi từ ngày 21 Tháng 11, 2019. Kế tiếp, Phó chủ tịch Hội, nhà báo Nguyễn Tường Thụy, bị bắt ngày 23 Tháng 5, 2020.  Một tháng sau đó, đến lượt nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn cũng bị bắt và đang bị giam trong tù.

Ngoài ra có ít nhất mười thành viên của Hội bị triệu tập và hỏi cung, trang mạng và trang Facebook của Hội bị khóa tại Việt Nam và thường xuyên bị hacker tấn công.

Tính từ khi Giải chính thức được thành lập vào năm 2002 đến nay, đã có khoảng 50 nhà hoạt động, nhà tranh đấu, nhà báo, tù nhân lương tâm trong nước đã được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam tuyên dương trao giải. (LSTV)