Menu

Giá dầu thế giới giảm trở lại từ nhiều yếu tố (xem Video)

 

 

HTT:  Giá dầu thế giới trong 2 ngày qua đã giảm đột ngột xuống hơn 20%, mà các chuyên gia kinh tế ghi nhận đến từ nhiều yếu tố, thứ nhất chiến tranh Nga và Ukraine, thứ hai, do Covid, Trung Quốc phong tỏa, đóng cửa nhiều nhà máy sản xuất, khiến nguồn tiêu thụ bị ảnh hưởng, và thứ ba, do quỹ dự trữ liên bang Hoa Kỳ quyết định tăng phân lời trong tuần này.

Cách đây chỉ 1 tuần, khi tình hình chiến sự ở Ukraine gia tăng, giá dầu trên thế giới có lúc tăng hơn 130 đô la một thùng. Thế nhưng đến hôm nay, giá dầu đã giảm xuống chỉ còn khoảng 94 đô la một thùng. Theo lời ông Jeffrey Hally, phân tích gia kinh tế, quân đội Nga đã không đạt được thắng lợi ở Ukraine sau 20 ngày tấn công, cho thấy, TT Putin có thể tiến đến giải pháp ngừng bắn, để sau đó tiếp tục thương thuyết về vấn đề Ukraine, vì thế, nguồn dầu hỏa không bị ảnh hưởng nặng nề từ chiến tranh mang lại. Ngoài ra, mặc dù Hoa Kỳ và Canada tuyên bố cấm vận dầu hỏa của Nga, nhưng con số này chỉ chiếm một phần nhỏ, sản lượng dầu Nga cung cấp cho thế giới hàng ngày, trong khi Châu âu, Trung Quốc, Ấn độ và nhiều quốc gia khác vẫn tiếp tục mua dầu của Nga, vì thế nguồn dầu cung cấp cho thế giới không bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng.

Khi Hoa Kỳ quyết định ngừng nhập cảng dầu Nga, chính quyền của TT Joe Biden đã thảo luận với Venezuela và Iran, hai quốc gia trong khối OPEC, chiếm lượng dầu sản xuất đáng kể, và để đạt được các thỏa thuận với Hoa Kỳ, nguồn dầu bơm thêm vào thị trường cũng hỗ trợ để tránh gây nên tình trạng thiếu hụt.

Tại Trung Quốc, do số trường hợp lây nhiễm Covid đang tăng mạnh, chính quyền đã quyết định phong tỏa các thành phố trọng điểm trong ngành sản xuất xe hơi và điện tử, bao gồm thành phố Thiên Tân, một trong những khu vực có nhiều nhà máy chuyên về điện toán lớn, kể cả nhà máy sản xuất điện thoại của Apple. Thành phố Chanchung, là trung tâm sản xuất phụ tùng cho xe hơi ở vùng Đông Bắc Trung Quốc cũng được lệnh đóng cửa vì Covide, đã gây ảnh hưởng đến thị trường chung. Hồng Công hiện là nơi có số lây nhiễm Covid cao nhất thế giới đã gây ảnh hưởng đến nguồn giao thương quan trọng cho Trung Quốc.

Do chính sách không Covid, nhà cầm quyền Trung Quốc phải ra tay triệt để, để bảo đảm ngăn chặn sự lây lan, dù nhỏ cách máy. Số liệu ghi nhận, tại Trung Quốc hiện chỉ có 3,500 trường hợp lây nhiễm mới, thế nhưng cũng đủ để nhà cầm quyền ra lệnh phong tỏa cho khu vực hơn 20 triệu người dân. Quyết định phong tỏa mới của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng đến nguồn hàng hóa cung cấp cho thế giới. Khi nhà máy sản xuất phải đóng cửa, nguồn tiêu thụ năng lượng, nhất là dẩu hỏa phải giảm theo và trực tiếp gây ảnh hưởng đến giá dầu mà Trung Quốc tiêu thụ hay nhập cảng hàng ngày. Giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng chung đến tỉ lệ lạm phát, hiện đang ở mức cao nhất từ năm 1982 đến nay, ngoài ra, quỹ dự trữ liên bang cũng tăng phân lời trong tuần này, vừa tạo áp lực đến giá dầu, đồng thời làm giảm nguồn tiêu thụ của người dân và công ty vay mượn do phân lời cao, trong nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Theo các chuyên gia, giá dầu lên xuống, một phần còn do ảnh hưởng tâm lý của giới đầu tư, nhất là từ nhóm môi giới trao đổi dầu hàng ngày, có những sự lo sợ trước tình hình biến động từ chiến tranh cho đến địa chính trị. Giá dầu sẽ còn biến động trong những ngày tới, còn tùy thuộc vào tình hình chiến tranh Ukraine, Trung Quốc mở cửa trở lại, hoặc người Mỹ vẫn tiếp tục chi tiêu cho dù phân lời cao hoặc giá xăng cao.

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV