Thực ra trí thông minh nhân tạo là một ý tưởng không có gì mới mẻ, chúng từng được các nhà khoa học nghĩ đến từ thế kỷ thứ 17, theo tiến độ của khoa học, trí thông minh nhân tạo, ngày càng được chế tạo để cài đặt vào trong các máy móc, cho đến khi chiếc máy điện toán đầu tiên ra đời, trí thông minh nhân tạo từ đó được phát triển như đồng hành với máy điện toán. Vào năm 1950, khoa học gia Claude Shannon, được mệnh danh là người cha đẻ của thuyết thông tin, xuất bản tập nghiên cứu “viết thảo trình cho một máy điện toán để chơi cờ Tây”, và từ năm 1950 trở thành, phần lớn các nhà khoa học tiếp nối đi theo công trình nghiên cứu này để làm sao chế tạo được một máy điện toán có khả năng xét đoán như con người để đủ khả năng đối đầu với con người riêng trong lãnh vực cờ tây, nhưng đồng thời viết nên những lập trình để giúp máy điện toán học hỏi kiến thức từ con người, không những chơi cờ mà người máy, càng ngày càng có khả năng giao tiếp với con người thông qua trí thông minh nhân tạo, có nghĩa người máy có đầu óc do con người tạo ra. Vào năm 2011, hãng IBM sau một thời gian nghiên cứu và phát triển, cuối cùng đã tạo ra một máy điện toán đặt tên là Watson, đánh bại 2 nhà vô địch về trí thông minh trong chương trình Jeopardy!, nhờ dựa vào tất cả các sở học của con người, để đưa ra câu trả lời chính xác.
Vì sự phát triển của ngành công nghệ cao, nhất là máy điện toán ngày càng tinh vi hơn, theo đó kỹ thuật của trí thông minh nhân tạo phát triển vượt bực. Hầu hết các công ty về công nghệ như Google, Alibaba của Trung Quốc, Facebook, Samsung đều đang chạy đua để chế tạo các máy điện toán, để giao tiếp với con người.
Hiện nay công ty Facebook đang theo đuổi dự án sử dụng trí thông minh nhân tạo để người máy học hỏi tất cả những gì con người suy nghĩ và hành động. Với mạng xã hội có hàng tỉ thông tin do con người đưa vào, từ hình ảnh đến video và chữ viết, công trình nghiên cứu mới của Facebook nhằm tạo ra một máy điện toán hay một người máy theo dõi toàn bộ sinh hoạt của người dân trên mạng xã hội và ngoài đời để có thể trả lời tất cả những câu hỏi con người đặt ra, thậm chí có thể đoán trước ý muốn của người đối diện và giao tiếp với con người không khác gì người thật.
Tiến trình của các nghiên cứu này nếu sử dụng đúng cách sẽ phục vụ đời sống con người ngày càng hữu hiệu hơn, nhưng cũng là cách mà các chế độ độc tài như Trung Cộng, có khả năng theo dõi và kiểm soát chặt chẽ hơn mọi hoạt động của người dân.
Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV