Chuyên cơ của tòa thánh Vatican đã đưa Đức Giáo Hoàng Francis, lần đầu tiên đặt chân đến quốc gia đa số theo Hồi giáo và là một vùng chiến địa kéo dài nhiều thập niên qua, và là một trong những chuyến tông du của vị lãnh đạo giáo hội công giáo toàn cầu quan trọng nhất.
Đi bên cạnh Đức Giáo Hoàng, có đến 75 người ký giả trên toàn thế giới để thu thập tin tức và gửi về bản tường trình đặc biệt về chi tiết của chuyến đi, đặc biệt là nội dung các cuộc hội kiến mà Đức Giáo Hoàng tham gia. Phía Iraq xem trọng chuyến tông du này vì là một cơ hội cho thế giới thấy tình hình an ninh của Iraq ngày nay đã hoàn toàn khác biệt so với thời Saddam Hussein, nhất là Iraq đã thành công trong nỗ lực tiêu diệt phiến quân ISIS. Hàng chục ngàn nhân viên an ninh đã được đưa vào các vị trí chiến lược nhằm bảo vệ Đức Giáo Hoàng trong suốt 3 ngày tông du.
Trong thông điệp gửi đến người dân Iraq khi vừa đặt chân đến thành phố thánh địa Najaf, Đức giáo hoàng kêu gọi người hồi giáo Iraq hãy đối xử với người công giáo như là người anh em và hãy xem người công giáo ở Iraq là một nguồn vốn quí để bảo vệ, chứ không phải là một rào cản trong niềm tin tôn giáo của họ. Thông điệp của Đức Giáo Hoàng trong chuyến tông du này là “chúng ta đều là người anh em”, và trên khắp các đường phố, người dân Iraq đều nhìn thấy những bích chương ghi thông điệp này, nhất là nhằm vào lời kêu gọi hãy cùng sống với nhau trong hòa bình và yêu thương.
Đức Giáo Hoàng Francis năm nay 84 tuổi, ngài đã rất muốn thực hiện chuyến thăm các quốc gia hồi giáo trong thời gian qua nhưng gặp đại dịch Covid nên đã bị trì hoãn, giờ đây, đại dịch đang ngày càng được kiểm soát và là thời điểm tốt nhất để thực hiện chuyến đi này, cũng nhằm mục tiêu khuyến khích và cổ động tinh thần cho cộng đồng người công giáo nhỏ bé ở Iraq, ngày càng ít dần vì mối sợ hãi bị người hồi giáo kỳ thị và trù dập.
Đức giáo hoàng nói rằng, chỉ khi nào chúng ta nhìn qua khỏi sự khác biệt trong chúng ta để thấy rằng, mọi người đều cùng chung gia đình, thì đến lúc đó chúng ta mới có thể khởi sự tiến trình tái thiết và để cho thế hệ mai sau một thế giới an lành và tốt đẹp hơn.
Đức giáo hoàng nói rằng, người theo thiên chúa giáo và những người thiểu số ở Iraq không nên bị đối xử như công dân hạng hai, mà họ cần phải được đối xử công bằng theo quyền của một công dân Iraq, tương tự như cộng đồng đa số người hồi giáo Shiite. Ngài nói rằng, tôn giáo, văn hóa và sự đa dạng sắc tộc, luôn là nền tảng của xã hội Iraq từ ngàn năm qua, đây là một nguồn vốn cần được bảo vệ chứ không phải để hủy hoại. Ngài nói rằng, Iraq ngày này cần lớn tiếng kêu gọi cho mọi người biết, nhất là trong vùng Trung Đông, rằng, nhờ sự đa dạng hóa, thay vì tạo mâu thuẫn và xung đột, hãy hợp tác tạo sự hài hòa trong đời sống và xã hội.
Đức giáo hoàng và cả tòa thánh Vatican đều rất mong mỏi, qua chuyến tông du mang tính lịch sử này, sẽ giúp tạo niềm tin và lòng quan tâm nhiều hơn đến cộng đồng người thiên chúa giáo nhỏ bé ở Iraq, để giúp họ vẫn tiếp tục hành đạo mà không sợ bị các mối hiểm họa về sắc tộc hay tôn giáo gây hại.
Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV