Ebrahim Raisi vừa đắc cử tổng thống Iran trong cuộc bầu cử mới và tiếp tục tạo ra nhiều thử thách mới cho chính quyền Joe Biden và các chính sách đối ngoại, nhất là làm sao tạo sự cân bằng giữa vấn đề Do Thái và Iran. Điều khó khăn hơn cho chính quyền Biden là Tân tổng thống của Iran lại là một người bảo thủ và theo khuynh hướng diều hâu dưới chế độ Hồi giáo chủ trương bài Do Thái triệt để. Trước khi ra tranh cử tổng thống, Raisi đang giữ vị thế chánh thẩm tòa tối cao pháp viện của Iran và một trong những phán quyết quan trọng và tệ hại nhất là xử tử 5000 tù nhân và tiếng nói đối lập trong thập niên 1980 và 1990. Năm 2017 ông đã từng ra tranh cử tổng thống nhưng thất bại trước đối thủ ôn hòa hơn là Hassan Rouhani. Tuy nhiên với tình hình của vùng Trung Đông đang bất ổn giữa cuộc chiến Do Thái và Palestine, và chương trình phát triển nguyên tử cho Iran, phe bảo thủ Iran cần có một tiếng nói chống Do Thái và chống Phương Tây quyết liệt hơn. Chiến thắng của ông Raisi trước phe ôn hòa hơn cho thấy, chính sách mới của Iran sẽ tiếp tục tạo thêm các mối căng thẳng cho vùng Trung Đông.
Hôm nay, lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc họp báo sau khi đắc cử tổng thống, ngay lập tức ông Raisi cho thế giới thấy quan điểm diều hâu của Iran, bằng cách không đồng ý để gặp gỡ tổng thống Joe Biden để thảo luận về chương trình nguyên tử. Iran cũng sẽ không thảo luận về chương trình hỏa tiễn tầm xa hay chủ trương tiếp tục ủng hộ các lực lượng dân quân Iran ở khắp nơi. Quan điểm của tân tổng thống Raisi không thay đổi khi tuyên bố ra tranh cử, với chủ trương bảo thủ, đi theo đúng đường lối của đại giáo chủ Khamenei của Iran. Iran vẫn là quốc gia thần quyền, vì thế, mặc dù có chính phủ, nhưng quyết định tối hậu của Iran vẫn đến từ vị Đại giáo chủ hồi giáo Iran.
Khi được hỏi quan điểm của Iran hôm nay như thế nào trước việc Hoa Kỳ vẫn tiếp tục cấm vận Iran, ông Raisi cho rằng, trách nhiệm của Hoa Kỳ là phải hủy bỏ mọi hành vi cấm vận mang tính đàn áp nhắm vào Iran, ngoài ra, chương trình phát triển hỏa tiễn tầm xa của Iran là không thể thương lượng được. Iran cần có chương trình này để chống lại mọi nỗ lực mang tính thù hận nhắm vào Iran. Mặc dù không hề nhắc đến quốc gia nào, nhưng mọi người đều biết là Iran nhắm vào Do Thái, khi Iran vẫn tiếp tục hậu thuẫn cho phong trào đòi độc lập của người Palestine và chống lại sự cai trị trên vùng đất mà người Palestine cho là thuộc chủ quyền của họ.
Song song với tuyên bố của tân tổng thống Raisi không muốn gặp Biden để thảo luận về chương trình nguyên tử, phát ngôn viên bộ ngoại giao Iran hôm nay cho biết, Iran sẽ không thương lượng lại chương trình nguyên tử đã từng thỏa hiệp và ký kết năm 2015 với Hoa Kỳ, nếu Hoa Kỳ không muốn công nhận thỏa thuận đã ký dưới thời TT Obama. Từ tháng Tư vừa qua cho đến nay, Hoa Kỳ và đại diện các cường quốc vẫn đang thương lượng để trở lại với thảo hiệp khi vào năm 2018, cựu TT Donald Trump đã quyết định hủy bỏ thỏa thuận và trở lại cấm vận Iran. Đổi lại Iran tiếp tục phát triển chương trình nguyên tử và hiện đang làm giàu tinh chất Uranium có thể chế tạo bom nguyên tử, một trong những mối quan tâm hành đầu của Do Thái hiện nay. Vì thế tân thủ tướng Do Thái đã đưa ra khuyến cáo chống lại quan điểm diều hâu của Iran và kêu gọi chính phủ Biden không nên thương lượng với Iran hay trở lại với thỏa hiệp nguyên tử Iran trước đây. Thủ tướng Do Thái cho rằng, một chế độ do một kẻ giết người lãnh đạo, thì không nên cho phép thủ đắc vũ khí có sức tàn phá đại qui mô.
Việc Do Thái và Iran đều bầu cho người lãnh đạo có khuynh hướng diều hâu đã gây thêm khó khăn cho chính quyền tìm thế ổn định cho vùng Trung Đông của Hoa Kỳ.
Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV