Theo giáo sư Carl Thayer, nhà phân tích chính trị làm việc tại Học viện quốc phòng Australia, ông Nguyễn Phú Trọng lại được chọn làm tổng bí thư Đảng Cộng sản, chức vụ quyền lực nhất ở Việt Nam cho thấy hệ thống chính trị nước này giống như động mạch bị xơ cứng khiến máu không thể lưu thông tới não.
Giáo sư nói rằng, một cán bộ thường phải ở trong Ban Chấp hành Trung ương 5 năm và kế tiếp phải ở trong Bộ Chính trị 5 năm trước khi leo lên tới vị trí lãnh đạo cao nhất. Trong số 19 thành viên của Bộ Chính trị được bầu năm 2016 có 5 người chết, hoặc bị tù hoặc sức khỏe yếu.
Hiện nay họ chỉ còn sáu người dưới 65 tuổi để lấp đầy bốn vị trí lãnh đạo cao nhất. Vì vậy, họ phải miễn điều kiện tuổi tác theo quy định cho chính tổng bí thư và thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để hai ông ấy có thể ở lại.
Cũng theo giáo sư Carl Thayer thì việc phân bổ 70% ghế lãnh đạo cho người trong độ tuổi từ 50 đến 60, khoảng 10% cho độ tuổi từ 61 trở lên, và phần còn lại dành cho người dưới 50 cũng là một trong những nguyên nhân làm xơ cứng hệ thống chính trị Việt Nam. (LSTV)