Menu

Đại diện KHÔNG CHÍNH TRỊ cho Miến tại ASEAN là sao?

(Bài nhận định của BS Nguyễn Đan Quế)

Hội nghị thượng đỉnh cuối tháng 10/2021 ở Brunei, ASEAN đắn đo về ai đại diện cho Miến?

Sau khi ra quyết định không mời tướng Min Aung Hlaing người lật đổ chính phủ dân cử của Miến, Brunei cũng đã nhận được những yêu cầu để phe đối lập tới dự.

Nhưng nước chủ nhà Brunei tuyên bố chỉ các đại diện phi chính trị từ Miến mới được tới dự hội nghị, và họ dự với tư cách gì thì không nói rõ.

Vậy Đại diện KHÔNG CHÍNH TRỊ là sao?

Ngày 1/2/2021 quân đội lật đổ chính quyền sau bầu cử tháng 11/2020, với sự kiện đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo. Quân đội cho là có gian lận, nhưng không đưa ra bằng chứng. Thật ra là họ sợ mất làm ăn buôn bán thuốc phiện, ma túy, ngọc trai, gỗ lậu, khí giới, tham nhũng trong đầu tư với nước ngoài, chẳng hạn  như làm các đập thủy điện với Trung Quốc hay hợp tác truyền thông với Viettel của bộ quốc phòng Việt Nam.

Từ đó Miến rơi vào vòng bất ổn triền miên cho đến nay.

Giới trẻ xử dụng mạng xã hội như Facebook, Twitter…treo ảnh đại diện mầu đen, tẩy chay các dịch vụ và sản phẩm của quân đội, bóp còi xe ngoài đường, đập nồi niêu xoong chảo trên các chung cư… thể hiện phản kháng. Phong trào bất tuân dân sự với các cuộc biểu tình bất bạo động, dưới nhiều hình thức khác nhau, đã liên tục xảy ra trên cả nước. Quần chúng hưởng ứng  thuộc đủ mọi tầng lớp từ các thế hệ trẻ mới lớn lên, trí thức, sinh viên học sinh, văn nghệ sĩ đến nhà sư, nữ tu, công chức, các công đoàn ngành nghề, các sắc dân thiểu số, có cả công an – quân đội đảo ngũ. Các cuộc biểu tình thoạt đầu ôn hòa, dần thành những vụ bạo loạn nhỏ, rồi lớn dần ở nhiều khu vực thành thị khi mà lực lượng an ninh sử dụng vũ lực. Đàn áp đẫm máu nhất vào giữa tháng 3/2021. Những cuộc giao tranh lan cả tới các vùng nông thôn, đặc biệt là ở khu vực biên giới, với sự tham gia của lực lượng dân quân các sắc dân thiểu số chống lại quân đội chính phủ.

Nền kinh tế Miến chựng hẳn lại.

*

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhiều lần lên tiếng kêu gọi ôn hòa, mạnh mẽ kết án bạo lực và yêu cầu các bên tìm giải pháp hòa bình. Hội đồng Bảo an (HĐBA) đã họp 2 lần. Đặc biệt ngày 10/3 lại họp khẩn cấp, nhưng vẫn không ra được nghị quyết chung, chỉ vì : Tây phương coi là ‘đảo chánh’ nhưng Trung – Nga coi khủng hoảng Miến là ‘nội bộ’, không đồng ý dùng chữ ‘đảo chánh’.

Sáng kiến Jakarta

4/2021. Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tỏ ý muốn đứng ra giúp người dân Miến thoát cảnh nồi da xáo thịt. Từ LHQ đến Trung – Nga và phương Tây đều lên tiếng hoan nghênh. Nhưng khó là ASEAN vốn có nguyên tắc ‘đồng thuận và không can thiệp vào nội bộ của nhau’.

24/5/2021, trong cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp tại Jakarta (Indonesia), có lãnh đạo của 6 nước Indonesia, Malaysia, Brunei, Việt Nam, Cam Bốt, Singapore. Ba nước Philippines, Thái Lan và Lào cử ngoại trưởng. Các lãnh đạo ASEAN đồng ý gặp tướng Min Aung Hlaing để chuyện trực tiếp, nhưng nói rõ không phải công nhận chính quyền của viên tướng này là hợp pháp. Brunei – quốc gia chủ tịch luân phiên của khối – công bố đạt 5 điểm đồng thuận, bao gồm (1) chấm dứt các bạo lực, (2) mở đối thoại xây dựng giữa tất cả các bên, (3) bổ nhiệm một đặc phái viên của chủ tịch ASEAN nhằm thúc đẩy đối thoại giữa các bên ở Miến, (4) trợ giúp nhân đạo và (5) tổ chức chuyến đi của đặc phái viên và phái đoàn ASEAN tới Miến. (https://www.voatiengviet.com/a/asean-dat-dong-thuan-ve-viec-cham-dut-khung-hoang-o-myanmar/5865589.html).

6 tháng sau tình thế vẫn bất ổn. Chính quyền Miến không có thiện chí thi hành sáng kiến Jakarta. Không giúp cho đặc sứ của Asean cũng như đặc sứ nhân quyền của LHQ thực thi nhiệm vụ. Phe quân nhân không dẹp được phong trào quần chúng. Bất tuân dân sự không có dấu hiệu chùn bước, gây thán phục cho dư luận các nước trong vùng cũng như trên thế giới. Chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm. Nguy cơ nội chiến là có thể.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 38 & 39 tổ chức trực tuyến vào hai ngày 26-28 tháng 10

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí loại lãnh đạo Min Aung Hlaing của chính quyền quân sự Miến ra khỏi thượng đỉnh vì không thực hiện những cam kết Jakarta. Đây là lập trường cứng rắn chưa từng xẩy ra trong lịch sử ASEAN vốn theo chính sách giao tiếp và không can thiệp. Đặc sứ LHQ về Miến Christine Schraner Burgener đánh giá tập đoàn quân sự Miến « đi lầm đường » và đã hơn 9 tháng sau cuộc đảo chính, tình hình tại Miến « tiếp tục xấu đi nghiêm trọng ». Theo LHQ, hơn 1.000 bị giết chết và hàng ngàn người khác bị bắt. Bà vào tháng 7/2021 đề xuất phương pháp làm việc với các tướng lãnh Miến, nhưng « từ đó tới nay, vẫn chưa được hồi âm ». Còn đặc sứ ASEAN về Miến, bộ trưởng Brunei Erywan Yusof, cũng không đạt kết quả gì.

ASEAN 38-39 có đặc biệt là:

> Có Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự. Đây là lần đầu tiên trong 4 năm nay Washington giao tiếp ở cấp cao nhất với khối ASEAN.

> ASEAN lập quan hệ chiến lược toàn diện với Úc (thành viên AUKUS) và với Trung 1 ngày sau.

05/11/2021 ông Nicholas Koumjian người đứng đầu cơ quan điều tra Liên Hiệp Quốc về các tội ác nghiêm trọng nhất tại Miến khẳng định đã nhận được hơn 200.000 thông tin kể từ ngày quân đội Miến tiến hành đảo chính, và đã thu thập được hơn 1,5 triệu bằng chứng cho phép “quy kết thành tội ác chống nhân loại”.

8/11 ông Bill Richardson, cựu đại sứ Hoa Kỳ, là quan chức cấp cao nhất của Mỹ công du Miến nhằm thảo luận với tập đoàn lãnh đạo quân sự Miến về việc cung cấp vac-xin, thiết bị y tế, và đáp ứng các nhu cầu về y tế công cộng.

Tóm lại:

Có 2 khuynh hướng can thiệp vào tình hình Miến: Một bên coi là đảo chính bất hợp pháp, gồm các nước tây phương (Mỹ, EU) và bên kia là Trung – Nga chủ trương không can thiệp, bên ngoài chỉ nên tạo điều kiện để các phe phái bên trong tương nhượng nhau.

ASEAN thấy phải lột xác để sống còn (chết vì nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp).

Tất cả các nước, nhất là các siêu cường kinh tế Số như Mỹ – Trung – Nhật – Đức – Nga đều nhận thấy tình hình xã hội trong nước mình và thế giới từ khi có dịch Covid 19 đã có những thay đổi  hết sức căn bản, thí dụ như động lực bất tuân dân sự ở Miến kỳ này hoàn toàn khác những phong trào quần chúng đấu tranh trước đây. Lý do thâm sâu là:

Cách mạng Số đang diễn ra như vũ bão trên toàn cầu thì bỗng nhiên từ đầu năm 2020 dịch Covid lây nhanh, làm chậm hẳn lại mọi hoạt động xã hội, con người trầm hẳn xuống, có dịp trở lại về gần với bản chất thật của mình nhất. Đến cuối năm, bồi thêm ‘hiện tượng Donald Trump’ bị thất cử, phản ứng lung tung gây khủng hoảng niềm tin vào tư bản chủ nghĩa, giống khủng hoảng niềm tin vào ‘thiên đường cộng sản’ khi Liên Xô sụp năm 1989. Thế là không ai bảo ai, không đảng phái nào đầu têu, người dân bình thường khắp nơi trên thế giới tự động lột xác, vứt bỏ mọi tuyên truyền của cả hai hệ thống chính trị đã điều kiện hóa nặng nề nếp suy nghĩ của họ. Đương nhiên thay đổi nhận thức rộng khắp hạ tầng sẽ quyết định hình thành những thượng tầng mới khác hằn thời chiến tranh lạnh. Hết thẩy đều có mong muốn chung là nhắm giải quyết hữu hiệu mâu thuẫn chính giầu – nghèo trên thế giới, cùng những thách thức thời đại như thay đổi khí hậu, nước biển dâng cao, vũ khí nguyên tử, sử dụng không gian, khai thác đáy biển, mạng toàn cầu internet với nạn tin tặc / tin giả, vấn đề nhân quyền với hiểu biết mới về con người.

Mở đầu tiến trình thay đổi chiến lược toàn cầu này khởi đi từ Miến. Thật vậy: (a) giải quyết chính trị Miến kéo theo ASEAN lột xác trở thành tổ chức hợp tác vùng mạnh. (b) ASEAN chuyển quay lại giúp các siêu cường kinh tế số Mỹ – Trung – Nhật – Đức – Nga đi vào hợp tác / cạnh tranh trong thế chiến lược mới (cầm đầu Khối Bắc),  cùng lúc biến quan hệ của họ thành ‘đối tác kinh tế’ với các nước nghèo thông qua các tổ chức như RCEP, AUKUS, FOIP, CPTPP, OPEC. Các nước nghèo hợp thành Khối Nam. Còn các nước giầu khác như Anh, Pháp, Ý, Canada, Úc, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch…, chia nhau ra quây quần quanh 5 siêu cường chính.

Những gì đang biến đổi diễn ra giữa Miến – ASEAN – 5 siêu cường – LHQ mang tính liên hệ qua lại (feedback mechanism) đưa thế giới tiến lên nền văn minh mới đáp ứng bước phát triển vũ bão của Cách mạng Số và thích ứng tốt đẹp nhất có thể với cao trào Nhân bản hóa toàn cầu: Hợp tác kinh tế Bắc – Nam & Hòa hợp văn hóa Đông – Tây.

Bất tuân dân sự không lùi, quân đội Miến không thể thắng.  Liệu có cơ may nào ‘mọi chuyện sẽ ổn thỏa’cho Miến? một đất nước có tới 135 sắc dân và hơn ½ thế kỷ dưới ách độc tài quân phiệt sau khi thoát thực dân Anh cai trị năm 1962?

Tư cách thành viên ASEAN của Miến vẫn còn nguyên. Nhưng đại diện không chính trị mới phù hợp với tình hình mới. Nghĩa là: không bị ảnh hưởng chính trị của hai khuynh hướng coi là ‘đảo chính’ thân Tây phương và coi là vấn đề ‘nội bộ’ thân Trung – Nga. Hay nói chính xác hơn: Miến và cả ASEAN cần có những bước đi nương theo cao trào Nhân Bản Hóa toàn cầu, bắt đầu xẩy ra từ đầu năm 2020, là năm khởi phát đại dịch Covid trên nền tảng xã hội Cách mạng Số, hai sự kiện chưa từng có trong lịch sử loài người (https://vnqvn.blogspot.com/2018/08/co-hoc-luong-tu-ua-nhan-loai-vao-nen_20.html) ./,

Bs Nguyễn Đan Quế

Chủ tịch Cao Trào Nhân Bản

11/11/2021