Menu

Đa số người Mỹ xài hết tiền vào cuối tháng (xem Video)

HTT: Kết quả một cuộc khảo sát về người lao động Mỹ do công ty Amerilife thực hiện cho thấy có đến 7 trong số 10 người lao động Mỹ không dành dụm được tiền về hưu hoặc để dành tiền trong trường hợp khẩn cấp, vì lý do, cứ cuối tháng là họ xài hết tiền lương. Công ty Onepoll đại diện cho AmeriLife đã thực hiện cuộc khảo sát trên 2007 người lớn đang đi làm, và 63% cho biết, họ không nhìn thấy được tương lai về mặt tài chánh, để họ có thể sống được một đời sống theo ý muốn.

Theo cuộc khảo sát thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là vì đa số không có được kiến thức quản trị tài chánh đúng mức, nhất là người phụ nữ. Trong cuộc khảo sát phần lớn phụ nữ cho biết họ không có được những thông tin về quản trị tài chánh như phái nam, tuy nhiên họ lại là thành phần đỡ bị ảnh hưởng hơn về mặt thiếu hụt tiền, lý do, đa số phụ nữ quan tâm về thẻ tín dụng, họ cho rằng, mục tiêu tài chánh của họ là làm sao càng ít xài thẻ càng tốt. Về phái nam, họ cho rằng, để có được sự ổn định về tài chánh, cần phải làm chủ nhà.

Cuộc khảo sát đã đặt câu hỏi về tài chánh đối với cả hai thành phần lương bổng trong xã hội, cho thấy, người làm lương càng cao thì càng biết tiết kiệm nhiều hơn. Đối với người có mức lương trên 150 ngàn mỹ kim một năm, thì việc để dành tiền là điều vô cùng quan trọng đối với họ. Ngược lại, chỉ có 54% người có mức lương từ 60 ngàn đến 90 ngàn mỹ kim xem việc để dành là quan trọng mà thôi. Trên thực tế, càng làm ít lương thì việc để dành lại càng quan trọng hơn, đây là một trong những nguyên nhân khiến người làm ít lương hơn không để dành tiền được.

Khi được hỏi, mỗi tháng anh hay chị cần để dành được bao nhiêu tiền để thấy thoải mái về tài chánh, hầu hết đều cho rằng, cần để dành khoảng 686 mỹ kim hàng tháng, nhưng ngược lại đến 70% không để dành được, mặc dù họ biết, kiến thức về tài chánh rất quan trọng để họ có thể để dành tiền về hưu, nhưng 70% đã không thực hiện được điều này, mặc dù các thông tin về phương pháp tiết kiệm và đề dành đểu có trên mạng. Khi tìm đến những thông tin này, 45% người tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội. 44% hỏi người thân trong gia đình. 42% tìm thông tin tài chánh thông qua tin tức hoặc trên mạng internet.

Ông Denny Southern, hiện làm giám đốc công ty AmeriLife, chuyên hỗ trợ người tiêu thụ để dành tiền về hưu, đã cho cố vấn như sau: dù làm lương cao bao nhiêu đi chăng nữa, nhưng nếu không biết lập ra ngân sách chi tiêu hàng tháng, thì cũng sẽ gặp khó khăn, nếu như có những vấn đề xảy ra ngoài ý muốn hoặc kế hoạch. Ông đề nghị, mỗi người lao động cần để dành ít nhất 6 tháng chi tiêu, bao gồm tiền nhà, tiền xe, tiền điện hay bất cứ tiền chi tiều hàng tháng nào trong ngân sách. Nếu xảy ra bất cứ điều gì, thí dụ như thất nghiệp, hay tai nạn, họ đã có được nguồn tiền để dành bảo vệ ít nhất là 6 tháng tới.  Và càng để dành tiền được sớm bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.

Đó cũng là lý do, các chuyên gia về quản trị tái chánh khuyên nhủ phụ huynh, nhất là những ai có khả năng tiết kiệm, cần phải dạy con cái cách sử dụng tiền một cách khôn ngoan, nhằm tạo cho các em thói quen tiết kiệm ngay từ nhỏ. Đa phần những em này khi lớn lên, đã biết được cách tiết kiệm cho dù không nhận được những thông tin từ bên ngoài.

Cũng theo cuộc khảo sát về tài chánh, 82% người được hỏi cho biết, sự ổn định về tài chánh còn giúp ích cho các nhân họ về mặt tinh thành và cảm giác, vì họ không phải lo âu mỗi cuối tháng, khi tiền lương của họ đã bị xài hết, trong khi lại không để dành được đồng nào.

Để kết luận, các chuyên gia tài chánh cho biết, để dành vẫn là phương pháp hữu hiệu nhất để giúp cho một cá nhân tìm thấy được sự bình yên về tài chánh, không những khi họ về hưu mà vào lúc chuyện bất trắc xảy ra, khiến cho họ bị hao tốn tài chánh nặng.

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV