SÀI GÒN (LSTV) – Sau hai ngày bị công luận phản đối do chiếm đoạt chùa Nghệ Sĩ (còn có tên là Nhựt Quang Tự, hoặc Phật Quang Tự) ở phường 11, quận Gò Vấp, để biến thành “Nghĩa Trang Nghệ Sĩ”, hôm 20 Tháng 6, Hội Sân Khấu Sài Gòn đành phải trả lại tên chùa như ban đầu để xoa dịu dư luận.
Sự việc diễn ra vào ngày 18 Tháng 6, khi truyền thông trong nước loan tin tấm bảng chùa Nghệ Sĩ bất ngờ bị thay bằng dòng chữ “Nghĩa Trang Nghệ Sĩ,” kèm theo tên Hội Sân Khấu ở Sài Gòn, để hợp thức hóa việc quản lý. Không chỉ vậy, Ban Ái Hữu Nghệ Sĩ trực thuộc Hội Sân Khấu đã yên cầu các nhà sư đang tu tại chùa dọn ra ngoài, các hoạt động tại chùa phải ngừng lại, khiến giới văn nghệ sĩ và người dân bất bình, phẫn nộ.
Trong khi đó, ông Bùi Nguyễn Huy Hoàng, chánh Văn Phòng Ủy Ban Nhân Dân quận Gò Vấp, cho rằng quận chưa nhận được văn bản thông báo nào từ Hội Sân Khấu về việc đổi tên chùa Nghệ Sĩ.
Theo một số tư liệu, thì vào năm 1958, nghệ sĩ Phùng Há được Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế tài trợ mua mảnh đất hơn 6,000 m2, làm nơi yên nghỉ cho nghệ sĩ cải lương. Tuy nhiên, gần 10 năm, chùa chưa được xây vì thiếu kinh phí.
Đến năm 1969, ông bầu Năm Công xin nghệ sĩ Phùng Há cho dựng am để tu hành. Nhưng sau khi am hoàn thành, ông Năm Công quyết định bán vì không còn tiền trả nợ. Bầu Xuân của gánh hát Dạ Lý Hương đã mua lại am với giá gần 100 cây vàng vào năm 1970, sau đó xây thành chùa, một phần diện tích làm nơi an táng của nhiều nghệ sĩ và thân nhân.
Hơn nửa thế kỷ qua, đây là nơi an nghỉ của nhiều tên tuổi nổi tiếng như soạn giả cải lương Hà Triều- Hoa Phượng, Thu An, các nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Út Trà Ôn, Thanh Nga, Minh Phụng, Hoàng Giang, Trường Xuân, Bảy Cao… Tính đến năm 2008, khuôn viên nghĩa trang của chùa đã có 600 ngôi mộ, hơn 500 hủ tro cốt.///////