Trong cuộc chiến tranh với Bắc Hàn Cộng Sản từ năm 1950 đến năm 1953, nếu không nhờ sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc và đặc biệt là Hoa Kỳ, miền Nam với khuynh hướng chống chế độ cộng sản có lẽ cũng chung số phận như miền Nam Việt Nam năm 1975. May mắn hai phe đã đồng ý ký kết hiệp định để thành lập vùng phi quân sự và chia đôi đất nước, mặc dù đến hôm nay, trên nguyên tắc, hai miền Nam Bắc vẫn còn trong tình trạng chiến tranh.
Chiến tranh Triều Tiên được xem là cuộc chiến hủy hoại tàn khốc nhất của nhân loại với khoảng 3 triệu người thiệt mạng cho cả hai miền và đồng minh. Toàn bộ kiến trúc của hai miền đã trở những đống gạch vụn hay tro tàn. Thế nhưng người dân Nam Hàn với sự khả năng lãnh đạo của chính phủ quyết tâm tái thiết đất nước.
Sau chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953, kéo dài cả thập niên sau đó, Nam Hàn trở thành 1 trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với lợi tức trung bình mỗi người chỉ vào khoảng 64 mỹ kim một năm, trong khi lợi tức trung bình của người Mỹ cùng thời gian này là 2,900 mỹ kim. Một gia đình người Mỹ có lợi tức trung bình trong thập niên 1960 là 5,600 mỹ kim, cao gần 500 lần so với gia đình Nam Hàn. Thế nhưng ngày nay Nam Hàn đã trở thành quốc gia phát triển nhanh vào mạnh nhất thế giới không những trong lãnh vực xe hơi, điện tử mà còn về mặt ca nhạc, điện ảnh. Nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển này vẫn là tiến trình cho phép người dân thực sự tự do và dân chủ.
Sự phát triển của một đất nước rất cần vào sự đầu tư, nhưng không có nghĩa, có đầu tư là quốc gia đó sẽ giàu mạnh. Đầu tư cần đi đôi với tự do và dân chủ. Tự do nơi đây là tự do báo chí, tự do ngôn luận, nền tảng của công cụ chống lại tham nhũng. Vì nguồn đầu tư nước ngoài có nhiều bao nhiêu đi chăng nữa mà guồng máy chính quyền tham nhũng nặng như Việt Nam thì nguồn đầu tư này không giúp để phát triển đất nước mạnh mẽ được. Muốn chống tham nhũng, chính quyền cần sự hỗ trợ của báo chí và giới truyền thông, đi đôi với quyền bầu cử, tức là quyền của người dân được chọn người lãnh đạo. Những kẻ tham nhũng, những kẻ cậy quyền thế, những kẻ lạm quyền sẽ bị ngòi bút của báo chí phanh phui, và trước áp lực của dân chúng, chính phủ cần loại bỏ những thành phần xấu cho đất nước này.
Cả thế giới đều biết đến vụ nữ tổng thống đầu tiên của Nam Hàn là Park Geun-hye, vị tổng thống thứ 11 từ năm 2013 đến 2017, ấy vậy đến cuối nhiệm kỳ, bà đã bị luận tội và sau đó bị kết tội tham nhũng, bị án tù 7 năm. Ngay cả nước Mỹ với nền dân chủ vào hàng đầu thế giới, chưa có vị tổng thống nào bị luận tội và phải ngồi tù. Trường hợp mới nhất là cựu TT Donald Trump, có bị luận tội nhưng đã không bị kết tội. Cựu TT Bill Clinton cũng tương tự.
Tương tự như Nhật, Đài Loan, Singapore.. nền dân chủ của Nam Hàn còn đóng góp rất lớn cho sự phát triển tài năng và nền giáo dục của đất nước. Sau chiến tranh, rất nhiều người trẻ được gửi đi du học ở nước ngoài, sau khi tốt nghiệp, rất nhiều người thay vì ở lại Mỹ hay Anh, họ quyết định trở về để giúp thăng tiến đất nước. Nguồn lực trí tuệ của thành phần trẻ này đã đưa Nam Hàn nhanh chóng từ quốc gia cung cấp nguồn lao động như Việt Nam ngày nay, trở thành quốc gia thu nhận lao động và cung cấp hàng hóa, kỹ thuật cho thế giới. Thập niên 1980, Nam Hàn bắt đầu phát triển ngành xe hơi và điện tử để cạnh tranh với Nhật. Hôm nay xe của Nam Hàn bán chung ngang hàng với xe Nhật. Hàng điện tử từ TV đến máy móc gia dụng và nhất là điện thoại thông minh đã chiếm lãnh thị trường thế giới. Nhờ tự do dân chủ, Nam Hàn khuyến khích người trẻ tham gia vào lãnh vực âm nhạc, điện ảnh. Tự do tư tưởng và ngôn luận đã giúp người trẻ tự do phát triển mà không gặp phải rào cản của cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh” hay tư tưởng cộng sản ngăn trở. Trong thời gian ngắn, phim bộ Nam Hàn đã vượt qua mặt phim Hồng Công. Ban nhạc, ca sĩ và tài tử Nam Hàn đã đoạt giải âm nhạc và điện ảnh cao quý của Hoa Kỳ mà chưa có quốc gia nào đạt được.
Việt Nam không thể phát triển chỉ dựa vào nguồn đầu tư nước ngoài nếu không có sự phát triển trí tuệ theo chính sách cởi mở tự do và dân chủ như Nam Hàn. Phát triển dựa vào nguồn đầu tư này thì Việt Nam chỉ là quốc gia cung cấp nguồn lao động mãi mãi cho nước ngoài mà thôi.
Vì thế từ khi thống nhất hai miền Nam Bắc đến nay, dưới chế độ Cộng Sản hiện nay, Việt Nam không có một món hàng nào do chính Việt Nam tự sáng chế hay phát minh để xuất cảng ra nước ngoài, và vị thế của Việt Nam vẫn sẽ là quốc gia cung cấp lao động hay xuất cảng lao động mà thôi.
Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV