Menu

Căng thẳng ngoại giao giữa Châu Âu và Belarus (xem Video)

Phóng viên trẻ tuổi Roman Protasevich, người gốc Belarus hiện đang nằm trong tâm điểm của căng thẳng ngoại giao giữa Belarus và Châu Âu. Lý do là Protasevich, đang là tiếng nói đối lập với nhà cầm quyền Belarux. Anh bị bắt vào lúc đang di chuyển bằng máy bay từ Hy Lạp đến Lithuania, khi máy bay vào không phận của Belarus, đã bị chiến đấu cơ áp tải, buộc phải đáp xuống phi trường Minks của Belarus, để nhà cầm quyền bắt giữ, vì họ không thể áp tải anh từ Châu âu về xử tội âm mưu lật đổ chính quyền. 

Phóng viên Protasevich năm nay 26 tuổi, đang làm việc cho hãng tin NEXTA trên mạng của Ba Lan, vào năm 2020, anh lấy được đoạn video liên quan đến cuộc biểu tình của người dân Belarus đòi lật đổ tổng thống Alexander Lukashenko. Cho đến nay, mọi hoạt động của giới truyền thông Belarus đều bị ngăn cấm nếu loan những bản tin bất lợi cho tổng thống, người đang bị cáo buộc có hành vi gian lận bầu cử và là một kẻ cai trị độc tài. 

Việc phóng viên Protasevich đưa hình ảnh biểu tình chống Tổng thống Belarus được xem là hành vi bôi xấu chế độ, vào lúc nhà cầm quyền Belarus đang ngăn chặn tin tức về các biểu tình được loan truyền trên mạng xã hội, vì thế bằng mọi cách họ muốn bắt phóng viên Protasevich để xử tội loan tải tin đồn thất thiệt. 

Ngay khi tin tức về việc một chiếc máy bay của Liên Hiệp Châu Âu bị Belarus đưa chiến đấu cơ áp tải buộc phải đáp khẩn cấp xuống phi trường, chỉ nhằm mục tiêu bắt giữ phóng viên đối lập, phía Hoa Kỳ, khối NATO và các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã lên án mạnh mẽ và hiện chuẩn bị đưa ra các hành động đáp trả. Chủ tịch Ủy hội Châu Âu, ông Charles Michel tuyên bố sẽ đệ trình các hành động cấm vận nhắm vào Belarus trong phiên họp hôm nay và chờ quyết định chung cuộc trong thời gian ngắn sắp tới. 

Nước Anh, dù không còn nằm trong liên hiệp châu âu, nhưng là thành viên của khối NATO hôm nay cũng lên án hành động của Belarus. Ngoại trưởng Anh, ông Dominic Raab cho rằng, tổng thống Belarus, Lukashenko phải chịu trách nhiệm trong vụ buộc máy bay phải đáp xuống phi trường, chỉ để bắt phóng viên tự do đang làm việc cho thành viên Châu Âu, gọi hành vi này không khác gì một kẻ không tặc. Ngoại trưởng Anh cũng tuyên bố, nước Anh sẽ ra lệnh cho máy bay Anh không được bay ngang không phận của Belarus trong thời gian này, đồng thời ra lệnh cấm máy bay của Belarus không được sử dụng không phận của Anh. Ngoài ra Anh Quốc đang làm việc với liên minh để tìm kiếm thêm các biện pháp cấm vận mới nhắm vào Belarus, sau khi đã cho triệu đại sứ Belarus ở Anh đến để bày tỏ sự bất bình. 

Thủ tướng Ba Lan, quốc gia mà phóng viên Protasevich đang làm việc, cũng lên tiếng ra đề nghị ngăn cấm mọi chuyến bay từ Belarus vào Châu Âu cho đến khi nào phóng viên Protasevich được trả tự do. 

Chính phủ Lithuania, một quốc gia thành viên của Liên Hiệp Châu Âu hôm nay lên án nhà cầm quyền Belarus và lên kế hoạch để khuyến cáo người dân của họ chớ nên du lịch đến Belarus vì tình trạng bất ổn và nguy hiểm hiện nay. Ngoài ra chính phủ Lithuania cũng dự trù cấm mọi chuyến bay của Lithuania và Belarus được sử dụng không phận của nhau. 

Belarus hiện đang được chính quyền Nga hỗ trợ, vì thế Nga đã lên án hành động đáp trả của Liên Hiệp Châu Âu hôm nay, nhắc lại là năm 2013, cũng chính liên hiệp châu âu từng bắt máy bay chở tổng thống Bolivia phải đáp xuống Áo, sau khi chính phủ Hoa Kỳ nghi là máy bay này chở Edward Snowden, kẻ từng tiết lộ hồ sơ bí mật về nghe lén của chính phủ Hoa Kỳ. Giờ đây thì chính quyền Belarus có hành động tương tự thì cũng không có gì quá đáng. 

Tuy nhiên đứng trước lệnh cấm vận của Liên Hiệp Châu Âu, nền kinh tế của Belarus sẽ rơi vào tình trạng suy thoái nếu không giải quyết sớm số phận của phóng viên Protasevich.

Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV