Vào tối khuya hôm Thứ Tư vừa qua, một ủy ban của Hạ viện đã đưa trở lại dự luật có từ năm 1989, tiếng Anh là Reparations hay bồi thường nhân phẩm cho người nô lệ, nhằm mục tiêu nghiên cứu về phương cách làm thế nào để bồi thường cho những đời con cháu gốc nô lệ tại Mỹ.
Đây là ủy ban tư pháp, nghiên cứu về những vi phạm luật pháp mà chính phủ Hoa Kỳ hay công dân Hoa Kỳ đã vi phạm khi dính líu vào vấn đề buôn hay sở hữu nô lệ trong quá khứ, và lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, thành lập một ủy ban đặc biệt chỉ nhằm nghiên cứu về tình trạng nô lệ, những luật lệ mang tính kỳ thị chủng tộc, và nghiên cứu về tầm ảnh hưởng từ nạn buôn nô lệ và kỳ thị đối với thành phần người gốc phi châu như thế nào. Ủy ban bao gồm 13 thành viên sẽ nghiên cứu về việc thành lập một bản văn xin lỗi mang tính quốc gia như thế nào đối với người nô lệ, rồi đưa ra đề nghị nên bồi thường như thế nào đối với người nô lệ ra quốc hội.
Có tất cả 42 dân biểu quốc hội bỏ phiếu, 25 dân biểu đảng dân chủ ủng hộ và 17 dân biểu đảng cộng hòa chống đối. Dân biểu Sheila Jackson Lee, đảng dân chủ của tiểu bang Texas tuyên bố, mục tiêu của việc thành lập ủy ban đặc biệt này là nhằm đưa xã hội Mỹ sang sự nhận thức mới, để cho thấy quá khứ của nước Mỹ đã ảnh hưởng đến người Mỹ gốc phi châu ngày nay ra sao, và làm thế nào để giúp nước Mỹ trở thành tốt đẹp hơn trong nỗ lực giúp đỡ cho thành phần thất thế trong xã hội. Tuy nhiên để ủy ban được thành lập, dự luật vừa thông qua ở Hạ Viện vẫn cần được thông qua trên thượng viện, trong khi cách biệt giữa ủng hộ và chống đối chỉ có đúng một phiếu mà thôi.
Khi nước Mỹ bước sang chính phủ mới thuộc Đảng Dân Chủ, nhất là hiện nay quốc hội lại do đảng dân chủ kiểm soát, đã đưa sự tranh luận về chủng tộc và việc bồi thường cho người gốc nô lệ lên một cấp độ mới, vào thời điểm cả nước Mỹ tiếp tục đắm chìm trong sự kỳ thị vẫn còn hiện hữu giữa người da trắng và người gốc phi châu, khi hiện nay tại Minnesota, phiên tòa xử cảnh sát viên da trắng đè cổ đến chết một người gốc phi châu, và mới đây, một nữ cảnh sát da trắng bắn chết một thanh niên gốc phi châu, chỉ vì bà móc lộn súng.
Dự luật về bồi thường nhân phẩm cho người gốc phi châu không những gặp phải sự chống đối từ các thành viên đảng cộng hòa trong quốc hội mà ngay cả cử tri đảng cộng hòa cũng có quan điểm khác biệt. Theo thăm dò của tổ chức Politico vào tháng 2 vừa qua, vấn đề bồi thường nhân phẩm cho người gốc phi châu được 60% cử tri dân chủ ủng hộ, trong khi có đến 74% cử tri đảng cộng hòa chống đối, với đa số thành phần bảo thủ quan niệm rằng, lỗi lầm của người tiền thân khi nước Mỹ thành lập, không thể trở thành trách nhiệm của thế hệ ngày nay gánh vác, nhất quốc hội hiện nay không có trách nhiệm để giải quyết chuyện lỗi lầm trong quá khứ.
Mặc dù TT Biden cho biết ông ủng hộ việc nghiên cứu chuyện bồi thường nhân phẩm cho người gốc nô lệ nhưng dự luật chỉ chuyên về nghiên cứu có thông qua được thượng viện hay không mới là vấn đề vì cần đến 60 phiếu, có nghĩa đảng dân chủ phải ủng hộ toàn bộ 50 phiếu, và cần thêm 10 phiếu từ đảng cộng hòa, với sự phân hóa luôn có giữa hai đảng, việc thông qua xem khó có thể xảy ra. Nếu không thông qua, phần còn lại sẽ nằm trong tay tổng thống Biden, ông có thể ra sắc lệnh thành lập ủy ban nghiên cứu, nhưng vấn đề thi hành cũng là một trở ngại lớn trong tương lai.
Thực ra việc tranh luận về việc có nên bồi thường nhân phẩm cho người gốc nô lệ hay không đã được đưa ra từ sau cuộc nội chiến kết thúc năm 1865, thế nhưng đến nay vẫn dậm chân tại chỗ. Riêng tiểu bang California, vào tháng 10 năm 2020, thống đốc Gavin Newsom đã ký thành luật ban hành một ủy ban nghiên cứu về bồi thường nhân phẩm cho người gốc nô lệ và trở thành tiểu bang đầu tiên trên nước Mỹ. Tương tự như dự luật hiện nay ở Hạ viện, California đi bước đầu tiên nghiên cứu về việc bồi thường nhân phẩm cho người gốc nô lệ như thế nào, rồi đệ trình lên quốc hội California để tìm ra phương án giải quyết.
Hoàng Trọng Thụy tường trình cho đài LSTV