– Bộ Công Thương cho rằng mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ dự kiến áp lên hàng hóa Việt Nam là “thiếu cơ sở khoa học và không công bằng”.
Hiện Mỹ áp thuế đối ứng với hơn 180 quốc gia, dao động 10-50%. Việt Nam nằm trong nhóm bị áp mức cao nhất, với lý do “đối ứng” thuế nhập khẩu Việt Nam đang áp với hàng Mỹ. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, mức thuế MFN trung bình Việt Nam áp chỉ 9.4%, thấp hơn nhiều so với con số 90% mà Mỹ đưa ra.
Ba ngày trước, Việt Nam đã ban hành Nghị định 73, giảm thuế MFN cho 16 nhóm hàng, trong đó có 13 nhóm có lợi thế cho Mỹ như ô tô và một số mặt hàng gỗ. Điều này thể hiện nỗ lực xử lý thâm hụt thương mại song phương.
Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ $119.5 tỷ Mỹ kim và nhập khẩu $15.1 tỷ Mỹ kim. Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, hai nền kinh tế không cạnh tranh trực tiếp mà mang tính bổ trợ, giúp người tiêu dùng Mỹ tiếp cận hàng hóa giá rẻ.
Bộ Công Thương đã gửi công hàm đề nghị Mỹ tạm hoãn áp thuế để trao đổi giải pháp hợp lý. Đồng thời, hai bên sẽ có cuộc đàm phán cấp bộ trưởng và kỹ thuật để tìm tiếng nói chung.
Bộ Công Thương cũng khuyến nghị doanh nghiệp Việt tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 quốc gia, đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng. Ngoài ra, Việt Nam đang xúc tiến đàm phán FTA với Trung Đông, Mỹ Latinh, Trung Á và các thị trường mới nổi để giảm phụ thuộc vào Mỹ.