Menu

Biểu tình tại Quận Cam lên án các cuộc tấn công người Châu Á

Một phụ nữ tham gia biểu tình với dòng chữ: "VIETNAMESE FOR BLACK LIVES" (Tạm dịch: người Việt vì mạng sống của người da màu) - Ảnh: TWITTERHôm Chủ Nhật, 21 Tháng Ba, nhiều người gốc Việt cùng cộng đồng bản xứ đã tổ chức một buổi cầu nguyện và biểu tình tại công viên Village Green Park ở Garden Grove để phản đối sự căm thù và bạo lực do phân biệt chủng tộc.

Cuộc biểu tình này ở Quận Cam là một trong số những cuộc biểu tình được tổ chức khắp California trong suốt cuối tuần qua.

Cô Maria Trần, 25 tuổi, cư dân Long Beach, cho biết vụ bắn giết, tấn công người Châu Á trong tuần qua đã mang lại cho cô “cảm giác tức giận và buồn bã.” Cô nói: “Tôi biết cộng đồng của tôi cũng đang bị tổn thương nhiều như tôi.”

Cô Maria cũng chia sẻ kinh nghiệm của bản thân khi từng là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chống người châu Á trước đây, bao gồm cả lần một người đàn ông da trắng lớn tuổi trên phố bảo cô “hãy cút về Việt Nam đi” và nhiều lần nhắc đến “virus Trung Quốc” của cựu Tổng Thống Trump.

Trước đó, vào Thứ Bảy, một nhóm thanh niên gốc Việt cũng đã tổ chức cuộc đi bộ chống thù ghét người gốc Á

Buổi đi bộ mang tên “Walk to End Hate” ở Orange County Great Park, Irvine, diễn ra vào trưa Thứ Bảy, 20 Tháng Ba, để phản đối những hành động kỳ thị dẫn đến bạo hành của người da trắng đối với người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương (AAPI).

Một trong những câu khẩu hiệu của nhóm này là “Thù ghét là vi trùng, thương yêu là thuốc giải.”

Báo cáo của tổ chức Stop AAPI Hate – Chấm Dứt Thù Ghét Người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương – cho thấy trong khoảng thời gian từ Tháng Ba, 2020, đến Tháng Hai, 2021, có gần 3,800 vụ tấn công có chủ ý phân biệt chủng tộc nhắm vào người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, con số này có thể chỉ là một phần nhỏ của các cuộc tấn công đã xảy ra, vì có rất nhiều vụ không được báo cáo.

Khoảng 68% các cuộc tấn công chống người Châu Á được ghi nhận trong nghiên cứu là quấy rối bằng lời nói, 21% là hành vi xa lánh, và 11% là hành hung thể xác. Khoảng 9% số vụ khác là vi phạm quyền công dân như phân biệt đối xử tại nơi làm việc hoặc bị từ chối phục vụ tại một doanh nghiệp. Gần 7% các cuộc tấn công là quấy rối trực tuyến. Hầu hết các vụ này xảy ra tại các cơ sở kinh doanh hoặc trên đường phố công cộng. (LSTV)