(Theo RFA) Vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mới khởi tố chưa được hai ngày mà đã có ngay hai cái chết đột ngột (chưa kể một cái chết của tướng công an Phạm Quý Ngọ trong một vụ án khác có liên quan đến cái tên Trương Mỹ Lan trước kia) , nhưng tin về một cái chết đã bị báo Nhà nước kéo xuống sau đó mà không nêu lý do.
Sau vụ bắt giữ bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vào cuối tuần qua, đã có nhiều dấu hiệu hỗn loạn tại các chi nhánh của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bị cho là có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát dù Ngân hàng này đã lên tiếng khẳng định bà Lan không tham gia vào việc quản lý Ngân hàng này.
Nếu bây giờ đòi hỏi ngay các chứng cứ bằng “giấy trắng mực đen” về các liên hệ trực tiếp giữa tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) với “triều đại” Lê Thanh Hải (LTH) thì chắc chưa thể đáp ứng ngay được. Hãy chờ một thời gian nữa, các bộ phận chức năng trước sau cũng phải đưa ra ánh sáng (chắc cũng chỉ một phần) sự thật về những cái bắt tay giữa hai thế lực “đỏ” và “đen”, mà đại diện tiêu biểu là “vua không ngai” Lê Thanh Hải (Hai Nhựt) và “bà trùm” Trương Mỹ Lan. “Song kiếm hợp bích” Nguyễn Phú Trọng – Nguyễn Văn Nên (Bí thư TPHCM) quyết định bắt bà Trương Mỹ Lan là để lần đến “gõ cửa tận nhà” Lê Thanh Hải. Bởi vì, Bộ Chính trị ĐCSVN đã cách chức (cựu) Bí thư Thành Hồ đối với Hai Nhựt do sai phạm liên quan tới dự án khu đô thị Thủ Thiêm đã hai năm rưỡi nay (Từ 20/3/2020). “Treo” mãi vụ Hai Nhựt như thế chẳng khác nào là một sự bỡn cợt “người đốt lò vĩ đại”. (3)
Vạn Thịnh Phát phất lên từ những năm Lê Thanh Hải làm Chủ tịch Thành Hồ. Nhưng phải đến khi ông Hải “chui” được vào Bộ Chính trị và làm Bí thư Sài Gòn, từ năm 2007, việc thâu tóm bất động sản, đất vàng và các doanh nghiệp liên quan đến VTP mới bắt đầu tại nhiều bất động sản có vị trí đắc địa tại TP. Tập đoàn này luôn gây sốt thị trường địa ốc, tạo lập các siêu dự án, sở hữu nhiều dự án tọa lạc ngay trung tâm như Union Square, Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton… Ngoài ra, Vạn Thịnh Phát còn có hàng loạt siêu dự án khác như: Cao ốc căn hộ dịch vụ cao cấp Sherwood Residence, Khách sạn Thương mại An Đông, Khu dân cư Bonville Land, Khu dân cư cao cấp Sterling Residence, Khu căn hộ cao cấp Lambert Residence, Thuận Kiều Plaza… Trương Mỹ Lan cũng bỏ ra hơn 700 tỷ đồng, tương đương 35 triệu Mỹ kim để mua lại căn biệt thự cổ từ thời Pháp, diện tích gần 3000m2, toạ lạc số 110-112 Võ Văn Tần, quận 3 Sài Gòn. (4)
Vợ chồng Trương Mỹ Lan cũng bị bêu lên đầu bảng trong “Hồ sơ Panama”, liên quan đến trốn thuế và rửa tiền. (5)
Tháng 1/2014, tại một phiên toà, bị cáo Dương Chí Dũng đã khai, nhận của bà Lan số tiền 1 triệu Mỹ kim, để hối lộ cho Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, nhằm lấy dự án tại Cảng Sài Gòn. Phạm Quý Ngọ sau đó đột tử, và Trương Mỹ Lan lại thoát.
Từ một tiểu thương buôn vải tại chợ An Đông, cuộc đời đưa đẩy bà Lan gặp và kết nghĩa được chị em với Trương Thị Hiền – em gái Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và là phu nhân của Hai Nhựt, Bí thư Quận 5 thời đó – mà số phận đã thay đổi 180 độ. Dựa vào gia tộc Lê Thanh Hải, Vạn Thịnh Phát đã trở thành tập đoàn khổng lồ, tổng số vốn lên đến hàng tỷ Mỹ kim. Từ đất đai dân nghèo Thủ Thiêm, đến các công sản trung tâm đô thành, lần lượt lọt vào tay tài phiệt Trương Mỹ Lan.