SÀI GÒN (LSTV) – Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) vừa tuyên bố sẽ tinh gọn bộ máy, chính thức bỏ cấp huyện để phù hợp với chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính của Nhà nước Việt Nam. Kế hoạch này được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự – nhấn mạnh tại hội nghị ngày 21 Tháng 3 tại Sài Gòn.
Theo đó, GHPGVN sẽ chuyển sang mô hình hai cấp, gồm cấp tỉnh và cấp xã, nhằm tăng tính hiệu quả trong quản lý. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh rằng việc bỏ cấp huyện sẽ giúp bộ máy tinh gọn hơn và dễ quản lý hơn.
Chủ trương này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành một đợt cải tổ lớn, sáp nhập đơn vị hành chính để giảm số tỉnh/thành từ 63 xuống còn 34, đồng thời xóa bỏ cấp huyện trước ngày 30 Tháng 8.
Tuy nhiên, quyết định của GHPGVN đã gây ra nhiều tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng việc giáo hội đi theo định hướng của Nhà nước phản ánh sự không độc lập của tổ chức này, hay GHPGVN không còn là một tổ chức tôn giáo thuần túy, mà hoạt động theo định hướng chính trị.
Trong khi đó, các tôn giáo khác như Công giáo, Tin Lành, Hòa Hảo và Cao Đài vẫn duy trì hệ thống tổ chức riêng, không tham gia vào quá trình tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Đảng.
GHPGVN, thành lập năm 1981, hiện là tổ chức Phật giáo lớn nhất Việt Nam với hơn 14 triệu tín đồ và 18,544 cơ sở thờ tự. Tuy nhiên, tổ chức này gần đây vấp phải nhiều chỉ trích, đặc biệt sau vụ việc liên quan đến sư Thích Minh Tuệ – người tu hành theo hạnh đầu đà nhưng bị Giáo hội tuyên bố không thuộc tổ chức của họ.
Một số phật tử bày tỏ quan điểm rằng GHPGVN hiện chỉ mang tính hình thức, không có vai trò thực sự trong đời sống tôn giáo của người dân, và cho rằng việc tinh gọn bộ máy không chỉ nên dừng ở cấp huyện mà cần cải tổ toàn diện.