Image: Reuters connect
MUAN, SOUTH KOREA (LSTV) – Cuộc điều tra liên quan đến những gì dẫn đến vụ tai nạn cho máy bay Nam Hàn đang tiến hành, nhưng rất nhiều câu hỏi đang đặt ra để tìm hiểu nguyên nhân, bao gồm lỗi của phi công và lỗi của máy bay Boeing 737-800.
Theo hồ sơ bay, chiếc Jeju Air đã chậm 30 phút so với lịch trình, phi công đang đưa 181 người đang chuẩn bị hạ cánh ở phía tây nam Nam Hàn vào sáng Chủ Nhật khi tháp kiểm soát cảnh báo về các đàn chim đang hiện diện trong khu vực. Hai phút sau, lúc 8:59 sáng, phi công báo cáo về “một vụ va chạm với chim” và “tình huống khẩn cấp”.
Phi công nói với tháp kiểm soát không lưu tại phi trường Muan (Miu An) rằng ông sẽ “bay vòng lại”, nghĩa là ông phải hủy lần hạ cánh đầu tiên và bay vòng trên không để chuẩn bị cho lần đáp thử thứ hai. Nhưng vì một lý do nào đó người phi công đã không bay vòng hoàn toàn mà nhất định phải đáp khẩn cấp. Thay vào đó, chỉ một phút sau, phi công được xem là kỳ cựu — với gần 7.000 giờ bay đã phải đáp xuống phi đạo theo sự hướng dẫn của trạm không lưu, tức phải đáp theo hướng ngược, từ bắc xuống nam.
Và ba phút sau, lúc 9:03 sáng, máy bay mặc dù đã đáp bằng bụng, nhưng lại đâm vào một cấu trúc bê tông ở cuối đường băng. Vụ va chạm này đã khiến máy bay phát nổ và giết hầu như toàn bộ hành khách và phi hành đoàn, chỉ có 2 nhân viên phi hành ngồi cuối sau đuôi sống sót.
Các nhóm điều tra đang tìm hiểu điều gì đã xảy ra trong bốn phút giữa báo cáo khẩn cấp của phi công về vụ va chạm với chim và máy bay nổ như quả cầu lửa. Theo lời ông Hwang Ho-won, chủ tịch Hiệp hội An ninh Hàng không Nam Hàn thì tại sao phi công lại vội vã hạ cánh như vậy. Khi các phi công có kế hoạch hạ cánh bằng bụng, họ thường cố gắng kéo dài thời gian, xả xăng từ trên không và cho nhân viên mặt đất thời gian chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp. Nhưng phi công của chuyến bay xấu số đã quyết định rằng ông không có thời gian để thực hiện các thao tác an toàn cần thiết.
Ông Hwang nói “Quyết định hạ cánh vội vàng như vậy có phải là lỗi của con người không?”. Phi đạo Muan thường dài 9.200 feet. Nhưng khi máy bay hạ cánh khẩn cấp, chỉ có 8.200 feet có thể sử dụng được vì công trình xây dựng đang được tiến hành để mở rộng đường băng. Tuy nhiên phi công đã hạ cánh ở giữa phi đạo, vì thế máy bay chạy ra ngoài và ủi vào bức tường bê tông nổ tan tành.
Một chuyên gia Nam Hàn cho biết một cấu trúc bê tông như vậy đã được tìm thấy ở các phi trường khác tại Nam Hàn và nước ngoài. Bức tường được xây dựng theo quy định nhưng chính phủ đã có kế hoạch điều tra xem liệu các quy định có nên được sửa đổi sau vụ tai nạn của Jeju Air hay không.
Khi hạ cánh, phi công của máy bay dường như cũng không thể kiểm soát cả động cơ và bánh đáp, khiến máy bay mất hai trong ba phương tiện chính để giảm tốc độ của máy bay. Và các nhà phân tích cho biết nếu cả hai động cơ đều bị mất, phi công vẫn có thể hạ bánh đáp bằng tay. Nhưng với cách phi công cố gắng hạ cánh vội vã như vậy, họ cho biết anh ta có thể không có đủ thời gian.