Các quan chức trong vụ “chuyến bay giải cứu” nhận hối lộ với số tiền lên tới cả trăm tỉ đồng, doanh nghiệp nào không chi tiền sẽ bị gây khó khăn.
Trong số 54 bị can bị đề nghị truy tố trong vụ “chuyến bay giải cứu”, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cáo buộc 21 người phạm tội nhận hối lộ, với tổng số tiền lên tới cả trăm tỉ đồng. Riêng tại Bộ Ngoại giao, có 2 cựu thứ trưởng bị đề nghị truy tố tội danh này, với số tiền nhận hối lộ hàng chục tỉ đồng.
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị cáo buộc nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng để ưu ái doanh nghiệp thân quen
Kết luận điều tra cho thấy, để tổ chức chuyến bay chở công dân từ các quốc gia về nước, nhiều bộ, ngành cùng được phân công phối hợp. Trong đó, Bộ Ngoại giao chủ trì công tác bảo hộ công dân; đề xuất kế hoạch; báo cáo, trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt, quyết định các chuyến bay.
Cơ quan chuyên môn thuộc bộ này là Cục Lãnh sự được giao nhiệm vụ làm đầu mối tiếp nhận, thẩm định, đánh giá hồ sơ, năng lực tiến hành các chuyến bay của các doanh nghiệp; trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị về tần suất, số lượng chuyến bay phê duyệt cho doanh nghiệp rồi báo cáo lãnh đạo bộ.
Ở nước ngoài, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam sẽ tập hợp danh sách công dân có nhu cầu về nước để báo cáo Cục Lãnh sự xét duyệt; phối hợp thực hiện tổ chức các chuyến bay đã được phê duyệt.
Mục đích của việc tổ chức các chuyến bay nhằm hướng tới tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” giữa đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các bị can, trong đó có nhóm cán bộ ngoại giao đã bất chấp thực hiện các hành vi tư lợi cá nhân.