(Theo RFA) Theo đuổi tăng trưởng nhanh thường làm cho nền kinh tế nóng lên, trong đó lĩnh vực bất động sản (BĐS) là dư địa lớn. Là một trụ cột của nền kinh tế sau chu kỳ tăng nóng, lĩnh vực BĐS cần thiết cú “hạ cánh mềm” (tiếng Anh là Soft Landing) bởi sự điều hành chính sách để tránh suy thoái. Tuy nhiên, sự đảo chiều chính sách đột ngột, trong đó có việc bắt giam một loạt các đại gia bất động sản, khiến nền kinh tế đang hứng chịu những hệ luỵ khó lường. Tập đoàn FLC đang sụp đổ là một điển hình được trình bày dưới đây.
Bắt giữ một ‘đại gia’ có thể dẫn đến sụp đổ một tập đoàn. Ngày 29/3/2022, ông Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch tập đoàn FLC – bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi “thao túng thị trường chứng khoán” và “che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”. Kể từ đó đến nay, đã một năm trôi qua, nhiều ‘xáo trộn’ đã diễn ra khiến nguy cơ FLC sụp đổ hiện hữu.
Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Mã chứng khoán HOSE:FLC) là một doanh nghiệp tư nhân chủ yếu kinh doanh bất động sản, được thành lập vào ngày 25 tháng 10 năm 2011. Tiền thân của FLC là Công ty TNHH Đầu tư Trường phú Fortune được thành lập năm 2001 với số vốn ban đầu là 18 tỷ đồng. Trước thời điểm ông Quyết bị bắt, FLC là một tập đoàn “đình đám”, gồm 17 công ty thành viên hoạt động chủ yếu liên quan đến bất động sản nhưng đã dần mở rộng sang một số lĩnh vực khác, trong đó có hàng không dân dụng với hãng Bamboo Airways. Sản phẩm của FLC gồm nhiều công trình, dự án BĐS, nghỉ dưỡng, du lịch lớn nhỏ đang vận hành và còn dở dang. Năm 2015 vốn điều lệ tăng lên gần 8.400 tỷ đồng, gấp hơn 50 lần vốn đăng ký…
Tuy nhiên, Tập đoàn này đang đứng trước bờ vực sụp đổ và, dường như, khó tránh khỏi. Ngày 8/3/2023 Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) có quyết định chuyển cổ phiếu KLF của Công ty CP Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS sang diện bị đình chỉ giao dịch kể từ ngày 14/3. Như vậy, đây là cổ phiếu cuối cùng liên quan đến FLC trên sàn chứng khoán sẽ không còn được giao dịch. Được biết, trước đó, sàn HOSE cũng đã quyết định đưa hơn cổ phiếu AMD của Công ty CP Đầu tư và khoáng sản FLC Stone vào diện đình chỉ giao dịch. Nguyên nhân của các quyết định trên là do quá hạn nộp báo cáo tài chính năm 2022. Như vậy, “họ FLC” gồm FLC, AMD, KLF, ART, HAI, ROS và GAB đến nay đã không còn mã nào được giao dịch trên thị trường niêm yết.
Các lĩnh vực kinh doanh khác cũng đang rất khó khăn. Ngoài khủng hoảng nhân sự lãnh đạo, theo thông tin từ Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 của FLC được tổ chức ngày 04/03/2023 với nhiều nội dung đáng chú ý xoay quanh chủ trương “tái cơ cấu toàn diện” như Tái cấu trúc nguồn vốn, sử dụng tài sản của Tập đoàn để xử lý các khoản vay trái phiếu, vay tại các tổ chức, cá nhân; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án, liên doanh/liên kết với các đối tác để đầu tư, triển khai dự án…, trong đó có cả bán cổ phần tại Hãng hàng không Bamboo Airways.
Ngoài ra, nhiều đối tác và địa phương đã và đang “quay lưng lại” với tập đoàn. Chẳng hạn, UBND tỉnh Bình Định ngày 8/12/2022 đã chấm dứt hoạt động dự án Eo Gió của FLC. Cũng trong tháng này, UBND tỉnh Hòa Bình giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án Quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf của Tập đoàn FLC tại huyện Yên Thủy. Lý do đưa ra là để tìm nhà đầu tư khác có năng lực hơn thực hiện các dự án…