Menu

Quốc hội Việt Nam họp bất thường – Nguyễn Xuân Phúc bay chức Chủ Tịch

HÀ NỘI (LSTV) – Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ ba Quốc hội khóa 15 vào chiều 18 Tháng 1, tức 27 Tết, để xem xét công tác nhân sự.

Dự kiến kỳ họp chỉ diễn ra trong một buổi chiều tại Nhà Quốc hội, Hà Nội. Buổi họp này sẽ thực hiện quy trình miễn nhiệm Chủ tịch nước với ông Nguyễn Xuân Phúc “theo nguyện vọng cá nhân.”

12 ngày trước, Quốc hội đã phê chuẩn miễn nhiệm hai Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam tại kỳ họp bất thường lần 2 của Quốc hội khóa 15, theo nguyện vọng cá nhân. Trước đó, ba Bộ trưởng bị Trung ương đánh giá là có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng là ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế), ông Chu Ngọc Anh (cựu Chủ tịch Hà Nội) và ông Mai Tiến Dũng (nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ).

Theo luật Tổ chức Quốc hội, Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường. Quốc hội khóa 15 đã tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ nhất vào đầu năm 2022, kỳ họp bất thường lần hai bế mạc 8 ngày trước.

Ông Nguyễn Xuân Phúc vừa bị mất chức chủ tịch nước sau cuộc họp bất thường của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN tại Hà Nội hôm 17 Tháng 1, đúng như “tin đồn” những ngày qua. Đây là lần đầu tiên một người trong “tứ trụ” của Việt Nam mất chức giữa nhiệm kỳ.

Truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin: “Trung ương thống nhất để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi Ủy Viên Bộ Chính Trị, Ủy Viên Trung Ương Đảng khóa 13, thôi giữ chức chủ tịch nước theo nguyện vọng cá nhân.”

Sau khi khen ngợi ông Phúc trong thời kỳ làm thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021, “có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt kết quả quan trọng,” thì các báo đều viết “Tuy nhiên, ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai phó thủ tướng, ba bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Hai phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, hai bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự.” Và chính vì “Nhận thức rõ trách nhiệm trước đảng và nhân dân, ông Phúc đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.”

Đây là lần thứ nhì trong vòng hơn hai tuần lễ, ba nhân vật lãnh đạo cao cấp của Việt Nam mất chức, trong đó có hai Ủy Viên Bộ Chính Trị.

Tin đồn về việc ông Phúc mất ghế đã rộ lên từ nhiều tháng trước, với nguyên nhân được suy đoán là do bà Trần Thị Nguyệt Thu, vợ ông, là “trùm cuối” trong vụ Việt Á.

Chỉ dấu rõ nhất cho việc ông Nguyễn Xuân Phúc sắp bay chức là vụ bắt, khởi tố bà Nguyễn Bạch Thùy Linh, 45 tuổi, giám đốc công ty SNB Holdings, với cáo buộc “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” vào hôm 4 Tháng 1. Công ty SNB Holdings bao gồm cả công ty Thế Giới Tuổi Thơ (Soc&Brothers) và công ty Phân Phối SNB (SNB Distribution). Theo dư luận rò rỉ thì doanh nghiệp này do bà Nguyễn Thị Xuân Trang, con gái ông Nguyễn Xuân Phúc, đứng sau và nắm quyền sở hữu.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, 69 tuổi, quê xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, là chủ tịch nước thứ 10 của Việt Nam từ 5 Tháng Tư, 2021. Trước đó, ông làm thủ tướng từ năm 2016-2021. Ông cũng từng là bộ trưởng chánh văn phòng chính phủ và phó bí thư, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.