Menu

Tái bản bộ sử “Đại Nam thực lục” đồ sộ nhất triều Nguyễn

10 tập của bộ Đại Nam thực lục được tái bản lần thứ hai. Ảnh: Sơn Hà

HÀ NỘI (LSTV) – Bộ sử “Đại Nam thực lục” được biên soạn trong gần 90 năm (1821-1909) từ triều Minh Mạng đến triều Duy Tân, vừa được tái bản lần thứ hai. Bộ sách được giữ nguyên cấu trúc 10 tập, có sửa lỗi kỹ thuật của ấn bản công bố cách đây 60 năm.

Theo ông Đỗ Bang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, thì bộ sử “Đại Nam thực lục” biên soạn từ nguồn tư liệu chính là các bản tấu của cơ quan trung ương, địa phương, đại thần gửi đến triều đình, được vua Nguyễn phê duyệt bằng bút son, gọi là châu bản.

Sau đó, Quốc sử quán tổng hợp để làm tư liệu biên soạn sách nên khá chuẩn xác về nhân vật, sự kiện và thể hiện tương đối đầy đủ, trung thực về chính sách, chủ trương của vương triều, quan điểm của các vua Nguyễn.

Bộ sử này có nhiều bằng chứng thuyết phục về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Bộ sách ghi rõ năm 1803, vua Gia Long cho tái lập đội Hoàng Sa và năm 1816 đưa thủy quân xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa, chính thức hóa chủ quyền của nhà nước. Sự kiện này được thế giới lúc bấy giờ thừa nhận, là mốc quan trọng cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hơn 200 năm qua.

Triều đình Minh Mạng cử nhiều cơ quan Trung ương ra Hoàng Sa để làm nhiệm vụ khai thác và thực thi chủ quyền, là đỉnh cao để khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Bộ sử “Đại Nam thực lục” không những chỉ viết về vua, chúa Nguyễn mà ghi lại hoạt động của triều đình, đất nước, xã hội đương thời một cách chân thực. Đây là nguồn tài liệu vô giá trong nghiên cứu, tra cứu, tìm hiểu thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong và Việt Nam thế kỷ XIX.